Trang chủ QH giao thông Quy hoạch giao thông tỉnh Nghệ An đến năm 2030

Quy hoạch giao thông tỉnh Nghệ An đến năm 2030

640
0

Quy hoạch giao thông tỉnh Nghệ An đến năm 2030 được thực hiện theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quyết định, hệ thống giao thông tỉnh Nghệ An được quy hoạch gồm giao thông đường bộ, đường thủy, cao tốc, đường sắt, cảng biển, cảng cạn logistics và các nút giao, trục cắt ngang.


Phương án quy hoạch giao thông đến 2030, tỉnh Nghệ An
Phương án quy hoạch giao thông đến 2030, tỉnh Nghệ An

Hệ thống cao tốc

Hệ thống cao tốc qua địa phận tỉnh Nghệ An được quy hoạch gồm 3 tuyến, trong đó có 2 trục dọc theo hướng Bắc – Nam và 1 trục ngang theo hướng Đông Tây, tổng chiều dài đường bộ cao tốc quy hoạch trên địa bàn tỉnh Nghệ An khoảng 288,84 km. Cụ thể:

Đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông: Cao tốc Bắc – Nam phía Đông là trục dọc song song với quốc lộ 1 (phía tây QL.1), đoạn qua địa phận tỉnh Nghệ An từ Tx. Hoàng Mai (giáp Nghi Sơn) đến sông Lam (cầu Bến Thủy mới), dài 87,84 km. Có vai trò là trục xương sống của hệ thống đường bộ quốc gia phục vụ vận tải Bắc – Nam cũng như kết nối phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị các tỉnh. Giai đoạn 2021 – 2030: hoàn thành xây dựng tuyến đạt quy mô 4 làn xe trước năm 2025. Tầm nhìn đến năm 2050: Hoàn thiện tuyến đạt quy mô 6 làn xe.

Nút giao trên tuyến: Xây dựng các nút giao liên thông giữa cao tốc với các quốc lộ 48, 7, 48E, 45, 46.


Đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây: Cao tốc Bắc – Nam phía Tây là trục dọc đi trùng với đường Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ làng Tra (Nghĩa Đàn) đến Rộ (Thanh Chương), dài khoảng 116 km, quy hoạch quy mô 4 làn xe. Được thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2030 thực hiện chuẩn bị đầu tư. Đến năm 2050 hoàn thành tuyến đạt quy mô 4 làn xe. Nút giao trên tuyến: nghiên cứu xây dựng các nút giao liên thông với các quốc lộ 48, 15, 7, 45.

Đường cao tốc Vinh – Thanh Thủy: Cao tốc Vinh – Thanh Thủy là trục ngang từ Cửa Lò đến cửa khẩu Thanh Thủy, tuyến chạy song song với QL.46, dài khoảng 85 km, đây là tuyến nằm trên trục cao tốc kết nối thủ đô Hà Nội với thủ đô Viêng Chăn (Lào) đã được kí thỏa thuận kết nối giao thông giữa Việt Nam và Lào. Được thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2030 triển khai đầu tư xây dựng tuyến, nghiên cứu phân kỳ giai đoạn 1 quy mô đạt 4 làn xe, giai đoạn hoàn thiện đạt quy mô 6 làn xe. Đến năm 2050 duy trì quy mô 6 làn xe. Nút giao trên tuyến: nghiên cứu xây dựng các nút giao liên thông giữa cao tốc với cao tốc Bắc Nam phía Đông, phía Tây (đường Hồ Chí Minh), các quốc lộ 15, 45.

Hệ thống Quốc lộ

Quy hoạch hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 20 tuyến quốc lộ, trong đó 16 tuyến quốc lộ hiện tại, 1 tuyến quốc lộ kéo dài (kết nối QL.48) và QL.45 (thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa) và 2 tuyến quốc lộ được nâng lên từ đường tỉnh (kết nối với nước bạn Lào qua hai cửa khẩu Tam Hợp và Vều), ngoài ra đề xuất bổ sung thêm Đường tỉnh 538B quy hoạch thành quốc lộ.


Các tuyến giao thông quốc lộ được quy hoạch tại Nghệ An
Các tuyến giao thông quốc lộ được quy hoạch tại Nghệ An

Theo quy hoạch, tổng chiều dài khoảng 1.844 km. Các quốc lộ quy hoạch gồm 6 quốc lộ chính yếu (QL.1, đường Hồ Chí Minh, QL.7, QL.46, QL.48, QL.45 kéo dài), 13 quốc lộ thứ yếu (QL.15, QL.16, QL.7B, QL.7C, QL.7D, QL.7E, QL.8C, QL.46B, QL.46C, QL.48B, QL.48C, QL.48D, QL.48E), nâng quy mô, cải thiện chất lượng đảm bảo nhu cầu vận tải, đặc biệt các đoạn tuyến quan trọng độc đạo, các đoạn tuyến khu vực phía Đông là nền tảng phát triển khu kinh tế Nghệ An, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp cũng như các chùm đô thị định hướng quy hoạch trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, hệ thống giao thông quốc lộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An được quy hoạch phân bố theo các trục dọc, trục ngang và các tuyến kết nối, cụ thể:

Hệ thống trục dọc (theo hướng Bắc – Nam): Hệ thống giao thông trục dọc theo hướng Bắc – Nam được quy hoạch phân bổ gồm 4 quốc lộ chủ đạo, là các tuyến QL.1, đường Hồ Chí Minh, QL.15 và QL.16, trong đó 3 tuyến QL.1, đường Hồ Chí Minh, QL.15 cơ bản nằm khu vực phía Đông của tỉnh, QL.16 nằm phía Tây có vai trò như trục hành lang biên giới kết nối các huyện biện giới phía Tây của tỉnh cũng như kết nối các huyện Tây Thanh Hóa, tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc khác.


Các trục ngang: Hệ thống giao thông trục ngang theo hướng Đông – Tây được quy hoạch phân bổ gồm 5 tuyến quốc lộ chủ đạo, là các tuyến QL.48, QL.7, QL.46 và một phần QL.48C, QL.48D, trong đó có 3 tuyến trục ngang đặc biệt quan trọng là các quốc lộ chính yếu QL.48, QL.7, QL.46. Các trục ngang có vai trò kết nối khu vực phía Đông và phía Tây của tỉnh, kết nối hệ thống các trục dọc, tạo nền tảng hỗ trợ kết nối và phát triển các khu công nghiệp, đô thị.

Quy hoạch giao thông đường tỉnh, Nghệ AN

Để đảm bảo hoàn thiện mạng lưới giao thông, kết nối các vùng miền, các đầu mối kinh tế, kết nối hệ thống đường bộ của trung ương trên địa bàn tỉnh Nghệ AN (cao tốc, quốc lộ), trên cơ sở 39 tuyến đường tỉnh hiện có, thực hiện quy hoạch sắp xếp lại hệ thống đường tỉnh, gộp một số tuyến ngắn thành tuyến liên tục, kéo dài và xây mới, nâng một số đường huyện lên thành đường tỉnh, quy hoạch đặt lại tên các tuyến đường tỉnh.

Sau khi sắp xếp, giao thông tỉnh Nghệ An có 38 tuyến với tổng chiều dài hơn 1.200 km, trong đó có 6 tuyến mở mới với tổng chiều dài 169km. Quy mô đường tỉnh cơ bản đạt từ cấp IV – III, 2 làn xe, các tuyến đường tỉnh khu vực miền núi khó khăn đạt cấp V, 2 làn xe, đặc biệt ưu tiên các tuyến, đoạn tuyến kết nối dọc, kết nối ngang với hệ thống cao tốc, quốc lộ, tạo hành lang phát triển công nghiệp, đô thị, các đoạn tuyến quan trọng đảm bảo quốc phòng, an ninh. 

Những tuyến giao thông đường tỉnh được quy hoạch tại Nghệ An
Những tuyến giao thông đường tỉnh được quy hoạch tại Nghệ An

Quy hoạch phát triển đường thủy tỉnh Nghệ An

Hệ thống giao thông đường thủy tỉnh Nghệ An được quy hoạch bao gồm các luồn tuyến vận tải, cảng hàng hóa, cảng vận tải hành khách và các bến thủy nội địa.

Về Luồng tuyến: Bao gồm tuyến vận tải ven biển và các tuyến đường sông.

  • Luồng vận tải ven biển: luồng vận tải ven biển tỉnh Nghệ An, thuộc tuyến vận tải ven biển từ Quảng Ninh – Ninh Bình – Thanh Hóa – Bình Thuận, khối lượng vận tải trên tuyến khoảng 15-18 triệu tấn/năm.
  • Tuyến sông Lam từ cửa Hội đến Đô Lương; dài khoảng 108 km, bao gồm: Đoạn từ cửa Hội – Bến Thủy: Cấp I, dài khoảng 19 km; Đoạn từ Bến Thủy – Đô Lương: Cấp III, dài khoảng 89 km.
  • Tuyến sông Hoàng Mai từ hồ Vực Mấu đến Cửa Cờn, cấp III, dài khoảng 18 km
  • Tuyến đường thủy nội địa địa phương: sông Cấm, kênh nhà Lê (128 km), kênh Nam Đàn, kênh Vinh.

Quy hoạch Cảng hàng hóa:

Cụm cảng Hưng Hòa

  • Vị trí: Cụm cảng Hưng Hòa gồm cảng hàng hóa Hưng Hòa (nằm khoảng Km18 trên sông Lam), cảng dầu Hưng Hòa (nằm khoảng Km19 trên sông Lam), thuộc địa phận xã Hưng Hòa, Tp. Vinh.
  • Vai trò: Là cảng vệ tinh của cảng Cửa Lò.
  • Quy mô quy hoạch: Phát triển cụm cảng hàng hóa Hưng Hòa đáp ứng tàu trọng tải đến 1.000 tấn (tàu hàng hóa), 1.200 tấn (tàu chở dầu), công suất trung bình khoảng 650 ngàn tấn / năm. Đảm bảo kết cấu cảng bằng bê tông cốt thép, tối thiểu 4 bến xếp dỡ/ lên xuống hàng hóa, có hệ thống kho bãi, trang thiết bị xếp dỡ, đường nội bộ, nhà điều hành…

Cụm cảng Quỳnh Lộc

  • Vị trí: Cụm cảng Quỳnh Lộc gồm các cảng nằm trên sông Hoàng Mai từ hồ Vực Mấu đến Cửa Cờn, đặc biệt quan trọng là cảng Cửa Cờn.
  • Vai trò: Phục vụ nhu cầu hàng hóa trong vùng, nhà máy xi măng Hoàng Mai, kết nối nhu cầu xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa ven biển khu vực Nam Thanh – Bắc Nghệ.
  • Quy mô quy hoạch: Phát triển cụm cảng Quỳnh Lộc trên sông Hoàng Mai đáp ứng tàu trọng tải đến 1.000 tấn, công suất trung bình khoảng 750 ngàn tấn/năm.

Các bến cảng hàng hóa khác: Gồm các cảng: Cửa Thơi, Cửa Quèn, Cửa Vạn, Chợ Sỏi

Quy hoạch Cảng vận tải hành khách

Cảng khách Bến Thủy

  • Vị trí: cảng nằm tại vị trí khoảng Km21 trên sông Lam (Km0 tại cửa Hội).
  • Vai trò: Là cảng du lịch đầu mối, phục vụ đi lại của nhân dân, khách du lịch của khu vực. Từ vị trí của cảng du khách du lịch có thể đi dọc sông xuống Cửa Hội ra đảo Ngư, đến đền chợ Củi – Hà Tĩnh, Nam Đàn… các vùng văn hóa di tích gắn với địa danh Núi Quyết, Phượng Hoàng Trung Đô, Tp. Vinh…
  • Quy mô quy hoạch: Phát triển cảng khách Bến Thủy đáp ứng cỡ tàu đến 300 ghế, công suất trung bình khoảng 300 ngàn khách / năm. Đảm bảo kết cấu bến cảng bằng bê tông cốt thép, có nhà chờ đợi, trang bị tiện nghi, có nhà điều hành và khu vực làm thủ tục của các cơ quan chức năng, cơ sở dịch vụ đủ điều kiện phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế; kết nối thuận tiện với các phương thức vận tải khác.

Cảng Nam Đàn

  • Vị trí: cảng nằm tại vị trí khoảng Km65 trên sông Lam bờ tả ngạn sông Lam, khu vực thị trấn Nam Đàn.
  • Vai trò: Là loại cảng lưỡng dụng hàng hóa và hành khách, phục vụ đi lại của nhân dân, khách du lịch và xếp dỡ hàng hoá của vùng.
  • Quy mô quy hoạch: Phát triển cảng khách Nam Đàn đáp ứng cỡ tàu đến 300 ghế, công suất trung bình khoảng 100 ngàn khách / năm. Đảm bảo kết cấu bến cảng bằng bê tông cốt thép, có nhà điều hành, nhà chờ đợi cho khách, cơ sở dịch vụ đủ điều kiện phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế; kết nối thuận tiện với các phương thức vận tải khác.

Quy hoạch Bến thủy nội địa địa phương

Bến hàng hóa

  • Trên sông Lam: Trên sông Lam quy hoạch 3 bến thủy nội địa, gồm Bến Dùng, Bến Phúc Sơn, Bến Con Cuông.
  • Trên sông Hoàng Mai: Trên sông Hoàng Mai quy hoạch 2 bến thủy nội địa, gồm bến Quỳnh Phươngvà bến Mai Hùng.
  • Trên sông Cấm quy hoạch 2 bến thủy nội địa gồm bến thượng lưu cảng Cửa Lò và bến Nghi Phương.
  • Trên Kênh nhà Lê: Trên Kênh nhà Lê quy hoạch 1 bến thủy nội địa là Bến Hưng Đông.
  • Trên Kênh Nam Đàn – Vinh: Trên kênh Nam Đàn – Vinh quy hoạch 1 bến thủy nội địa là bến Cầu Mượu.
  • Trên tuyến kênh Vinh: Trên tuyến kênh Vinh quy hoạch 2 bến thủy nội địa, gồm bến Cửa và bến bến Cầu Đước.

Bến vận tải hành khách: Bến khách thủy nội địa địa phương được quy hoạch gồm các bến khách dọc sông và bến khách ngang sông. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn giao thông, các bến khách ngang sông được rà soát và xây dựng các cầu thay thế.

Quy hoạch phát triển giao thông đường sắt tỉnh Nghệ An

Quy hoạch phát triển giao thông đường sắt trên địa bàn tỉnh Nghệ An tuân thủ theo Quyết định 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 phê duyệt mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.

Tuyến đường sắt hiện có: Đường sắt Bắc – Nam:

  • Hướng tuyến: Đường sắt Bắc – Nam qua địa phận tỉnh Nghệ An từ Quỳnh Lưu (giáp tỉnh Thanh Hoá) đến cuối xã Nam Cường, huyện Nam Đàn (giáp tỉnh Hà Tĩnh), dài 84 km.
  • Quy mô quy hoạch: Giai đoạn 2021 – 2030: Nâng cấp, từng bước hiện đại tuyến đường sắt đảm bảo tốc độ chạy tàu bình quân từ 80 km/giờ đến 90 km/giờ đối với tàu khách và 50 km/giờ đến 60 km/giờ đối với tàu hàng. cải tạo, nâng cấp các cầu yếu, cải tạo bình diện tuyến, mở thêm đường trong ga, kéo dài đường ga, hệ thống đường ngang đường sắt, đồng bộ hóa công nghệ, hệ thống thông tin tín hiệu.
  • Tầm nhìn đến năm 2050: Duy trì, tập trung đầu tư hiện đại hóa tuyến đường sắt hiện có để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách địa phương và hàng hóa; hoàn thiện kết nối tới cảng biển Cửa Lò.

Tuyến đường sắt xây dựng mới

Tuyến đường sắt tốc độ cao:

  • Giai đoạn 2021 – 2030: Triển khai xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam, từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm, đường đôi, khổ 1.435mm, dài khoảng 1.559 km, ưu tiên triển khai xây dựng trước đoạn Hà Nội – Vinh, đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An dài khoảng 86 km; dự kiến quy hoạch ga tại khu vực xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên.
  • Tầm nhìn đến năm 2050: Hoàn thiện toàn tuyến.

Tuyến đường sắt kết nối cảng biển: Nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt khổ đơn 1000 mm kết nối từ khu vực ga Quán Hành đến cảng biển Cửa Lò.

Quy hoạch phát triển giao thông hàng không tỉnh Nghệ An

Trong giai đoạn 2021 – 2030: Nâng cấp cảng hàng không Vinh là cảng hàng không quốc tế, đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO)), và sân bay quân sự cấp I (sân bay dùng chung giữa hàng không dân dụng và quân sự) công suất quy hoạch khoảng 8 triệu hành khách / năm, năng lực thông qua khoảng 20 chuyến / giờ, có thể đáp ứng các tàu bay đến cỡ A350, B787 hoặc tương đương. Mở thêm một số tuyến bay nội địa và quốc tế.

  • Xây dựng thêm 01 đường CHC đảm bảo nhu cầu khai thác máy bay code E, xây dựng đường lăn nối kết nối với đường CHC hiện hữu
  • Xây dựng thêm 1 nhà ga để nâng tổng công suất lên 8 triệu hành khách/năm.
  • Mở rộng sân đỗ đảm bảo nhu cầu khai thác và làm vị trí đỗ tàu bay qua đêm cho các hãng hàng không;
  • Xây dựng khu hàng không dân dụng: xây dựng sân đỗ ô tô, các công trình phụ trợ đồng bộ với nhà ga hành khách.
  • Phương thức bay: Bổ sung thêm phương thức bay PBN, thiết bị giám sát, trang thiết bị ATM để tăng khả năng khai thác và tối ưu hóa vùng trời cảng hàng không.
  • Nhu cầu diện tích đất: Tổng nhu cầu sử dụng đất của cảng hàng không: 447,37 ha, trong đó đất khu hàng không dân dụng: 78,77 ha, đất do quân sự quản lý 38,46 ha, đất khu bay sử dụng chung: 330,14 ha.

Tầm nhìn đến năm 2050: công suất khoảng 14 triệu khách/năm.

  • Xây dựng đường lăn nối đồng bộ: Để đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa đường CHC mới vào đường lăn song song và vào sân đỗ máy bay.
  • Xây dựng thêm 1 nhà ga để nâng tổng công suất lên 14 triệu hành khách/năm.
  • Mở rộng sân đỗ đảm bảo nhu cầu khai thác và làm vị trí đỗ tàu bay qua đêm cho các hãng hàng không.
  • Xây dựng khu hàng không dân dụng: xây dựng sân đỗ ô tô, các công trình phụ trợ đồng bộ với nhà ga hành khách.
  • Tổng nhu cầu sử dụng đất của cảng hàng không: giữ nguyên.

Quy hoạch phát triển cảng biển tỉnh Nghệ An

Quy hoạch phát triển cảng biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An căn cứ theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cảng biển Nghệ An

Cảng biển Nghệ An thuộc nhóm cảng biển số 2 (cảng biển khu vực Bắc Trung Bộ), là cảng loại I. Cảng biển Nghệ An quy hoạch gồm 5 khu bến và các bến phao neo đậu chuyển tải, đáp ứng công suất khoảng 20 – 35 triệu tấn hàng hóa/năm, phục vụ liên vùng và trong vùng. cụ thể như sau:

  • Khu bến Nam Cửa Lò (đang hoạt động): gồm các bến cảng tổng hợp, hàng rời, công ten nơ, hàng lỏng/khí, bến cảng khách, du thuyền gắn với du lịch Cửa Lò; có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 30.000 tấn.
  • Khu bến Bắc Cửa Lò (đang hoạt động): gồm các bến cảng tổng hợp, công ten nơ, hàng rời, hàng lỏng/khí, kết hợp bến khách quốc tế khi có yêu cầu; có khả năng tiếp nhận tàu hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn; tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 50.000 tấn; tàu tổng hợp, công ten nơ trọng tải đến 50.000 tấn hoặc lớn hơn đủ điều kiện; tàu khách quốc tế đến 225.000 GT.
  • Khu bến Đông Hồi (quy hoạch mới): Gồm các bến cảng tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí; có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải từ 50.000 ÷ 70.000 tấn.
  • Khu bến Bến Thủy, Cửa Hội (đang hoạt động): Gồm các bến cảng tổng hợp, hàng lỏng (xăng dầu…); có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 2.000 tấn.

Các bến phao, khu neo đậu chuyển tải bao gồm: (i) Bến phao xăng dầu Nghi Hương (đang hoạt động), Khu neo đậu chuyển tải tại Đông Hồi, Cửa Lò (quy hoạch mới), Khu neo đậu tránh, trú bão tại khu vực Cửa Hội (trên sông Lam).

Quy hoạch cảng cạn ICD và các trung tâm logistics

Cảng cạn (ICD): Cảng cạn (ICD) là mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức, đảm nhận chức năng tập trung, gom hàng, làm hàng, luân chuyển hàng, vỏ hàng, sửa chữa vỏ hàng, chờ thông quan phục vụ các khu công nghiệp, hàng hóa xuất, nhập khẩu, giảm chi phí vận chuyển và thời gian lưu hàng tại cảng biển.

Vị trí cảng cạn đảm bảo tính kết nối giữa các phương thức vận tải, phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng chung, gần các khu vực hội tụ các khu công nghiệp, nằm giữa cảng biển và các chủ hàng (khu công nghiệp) hỗ trợ cho các cảng biển.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các khu công nghiệp dọc theo đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 15, quốc lộ 7 thuộc địa phận Tx. Thái Hòa, các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương, Anh Sơn, cũng như hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Nậm Cắn (qua tuyến QL.7), quy hoạch cảng cạn ICD tại khu vực xã Tân Long, huyện Tân Kỳ, quy mô khoảng 5 ÷ 10 ha, công suất khoảng 50.000 ÷ 100.000 TEU/ năm.

Trung tâm logistic: Phát triển các trung tâm dịch vụ kho vận logistics tại khu kinh tế Đông Nam: khu công nghiệp Nam Cấm, khu vực cảng Cửa Lò, Nghi Lộc, VSIP.

Theo Duan.net


Rate this post
Bài trướcKhu công nghiệp An Nhựt Tân – Long An quy hoạch từ 2006 đến nay vẫn chưa hoàn thiện
Bài tiếp theoDanh sách Khu, Cụm công nghiệp tại Nghệ An đang hoạt động và thành lập mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây