Quy hoạch Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050 bao gồm quy hoạch giao thông, xây dựng đô thị, sử dụng đất, định hướng phát triển không gian của thành phố và của các cơ quan, doanh nghiệp.

Giới thiệu về Thành phố Tam Kỳ

Tam Kỳ là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam, Thành phố Tam Kỳ nằm ở phía đông tỉnh Quảng Nam, cách thủ đô Hà Nội 820 km về phía Bắc, cách thành phố Đà Nẵng 60 km về phía Bắc và cách Thành phố Hồ Chí Minh 900 km về phía Nam.


Vị trí địa lý:

Thành phố Tam Kỳ có 13 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 9 phường: An Mỹ, An Phú, An Sơn, An Xuân, Hòa Hương, Hòa Thuận, Phước Hòa, Tân Thạnh, Trường Xuân và 4 xã: Tam Ngọc, Tam Phú, Tam Thăng, Tam Thanh.

Về giao thông: Trên địa bàn thành phố Tam Kỳ có những tuyến đường giao thông trọng điểm chạy qua gồm:


  • Tuyến Quốc lộ 1 A
  • Tuyến Quốc lộ 40 B
  • Tuyến Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi
  • Tuyến đường sắt Bắc Nam
  • Tuyến ĐT 614
  • Tuyến đường ven biển

Ngoài ra trên địa bàn thành phố Tam Kỳ cũng có rất nhiều tuyến đường giao thông đô thị kết nối liên phường liên xã tại thành phố.

Thành phố Tam Kỳ trên google vệ tinh
Thành phố Tam Kỳ trên google vệ tinh

Nội dung quy hoạch chi tiết Thành phố Tam Kỳ đến 2030, tầm nhìn đến 2050

Thời gian vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lấy ý kiến công khai về đồ án Quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và nhận được sự đồng thuận cao của quần chúng nhân dân.

Định hướng quy hoạch phát triển khu đô thị mới tại Thành phố Tam Kỳ
Định hướng quy hoạch phát triển khu đô thị mới tại Thành phố Tam Kỳ

Định hướng quy hoạch thành phố Tam Kỳ thành Khu đô thị thủ phủ xanh

Theo đó, Quy hoạch chi tiết Thành phố Tam Kỳ đến 2030, tầm nhìn đến 2050 được xác định quy hoạch TP. Tam Kỳ phát triển trở thành đô thị thủ phủ xanh. Theo các yếu tố tự nhiên rất đặc trưng như:


  • Sở hữu 5 con sông (gồm sông Trường Giang, Tam Kỳ, Bàn Thạch, Sông Đầm và sông Kỳ Phú).
  • Sở hữu 5 ngọn núi (gồm núi Dài, núi Cấm, núi Baty, đồi An Hà, đồi Trà Cai).

Ngoài ra, thành phố Tam Kỳ còn có bờ biển dài, đồng ruộng trù phú, liên kết với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như hồ Phú Ninh, địa đạo Kỳ Anh, tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng. Do đó, ý tưởng quy hoạch đô thị Tam Kỳ thành “thủ phủ xanh” ngay từ đầu đã được nhiều người ủng hộ.

Hiện trạng đô thị của Thành phố Tam Kỳ

Trong những năm qua, thành phố Tam Kỳ là một trong những địa phương có bước phát triển vượt bậc về kinh tế, hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, khu vực trung tâm thành phố hiện nay đang phát triển khá lộn xộn và cảnh quan không đồng bộ. Cùng với phát triển đô thị xanh, việc mở rộng đô thị về phía đông sông Bàn Thạch và sông Tam Kỳ nhằm sử dụng đất hiệu quả là yêu cầu cần thiết và hợp lý, đồng thời phát huy tốt những “lá phổi” từ các hồ, sông, đầm, núi vốn là “đặc sản” của TP.Tam Kỳ.

Do đó, thành phố Tam Kỳ cũng phải xây dựng phương án quy hoạch chi tiết để chỉnh trang đô thị, trong đó có những việc cấp thiết cần làm ngày như:


  • Tiến hành mở rộng và nạo vét lòng sông Bàn Thạch và Tam Kỳ
  • Tiến hành nâng cốt nền, xây dựng đê (cũng là đường giao thông) bên trái sông Bàn Thạch.
  • Riêng sông Trường Giang cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp trị thủy hợp lý theo hướng xây dựng bờ kè.

Với mục tiêu quy hoạch Thành phố Tam Kỳ phát triển thành đô thị xanh, đô thị thông minh là đúng đắn và cần thiết đối với TP.Tam Kỳ trong tương lai.

Sau khi quy hoạch, TP.Tam Kỳ hiện nay sẽ được kết nối với khu đô thị mới phía bên kia sông Bàn Thạch và kéo dài cho đến tận biển Tam Thanh. Đó sẽ là một đô thị “thủ phủ xanh”, đô thị cộng sinh môi trường được bao bọc bởi núi, biển, sông, hồ và đồng ruộng, trở thành địa điểm lý tưởng thu hút nhiều người tìm đến an cư.

Sơ đồ kết nối thành phố Tam Kỳ
Sơ đồ kết nối thành phố Tam Kỳ

Trở thành điểm nhấn trong quy hoạch thành phố Tam Kỳ

Để trở thành đô thị xanh, Thành phố Tam Kỳ cần có một bước đột phá về quy hoạch. Trong đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng định hướng phát triển đô thị theo hướng phát triển mở rộng không gian đô thị về phía Đông với nhiều phân khu chức năng.

Đặc biệt, trung tâm hành chính thành phố Tam Kỳ sẽ được bố trí ở ven trục đường Lê Thánh Tông đối diện với hồ Sông Đầm, gần trụ sở Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai. 

Một “điểm nhấn” đáng chú ý khác là: Xây dựng các trục đường giao thông gắn với hình thành các trục kinh tế – xã hội. Theo đó, xây dựng phát triển đô thị hai bên tuyến đường chính của thành phố như:

  • Đường Lê Thánh Tông (theo hướng bắc – nam)
  • Đường Điện Biên Phủ (theo hướng đông – tây).

Theo quy hoạch Thành phố Tam Kỳ đến 2030 tầm nhìn đến 2050, đường Điện Biên Phủ được xác định là trục thương mại, dịch vụ – biểu tượng cho sự phát triển của thành phố. Đường Lê Thánh Tông được quy hoạch trở thành trục tri thức. Đây là nơi sẽ tập trung trường đại học, các trung tâm đào tạo nhân lực, khu công nghiệp công nghệ cao, công trình hành chính thành phố, văn phòng.

Quy hoạch chi tiết Thành phố Tam Kỳ theo Nghị quyết 64 của HĐND tỉnh Quảng Nam

Mới đây, ngày 29 tháng 9 năm 2021 HĐND tỉnh Quảng Nam cũng mới ban hành nghị quyết số 64/NQ-HĐND về việc Về thông qua một số nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Bản vẽ cơ cấu phát triển đô thị thành phố Tam Kỳ
Bản vẽ cơ cấu phát triển đô thị thành phố Tam Kỳ

1. Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện phía Đông tỉnh Quảng Nam đến năm 2030 và năm 2045.

Phạm vi, quy mô lập quy hoạch: Toàn bộ địa giới hành chính 09 huyện, thị xã, thành phố phía Đông tỉnh Quảng Nam, gồm: Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, Núi Thành, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ.

Với diện tích khoảng 2.743 km2. Giai đoạn thực hiện đến 2030 và đến 2045.

2. Quy hoạch chung xây dựng khu vực ven biển huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình, giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045.

Phạm vi, quy mô lập quy hoạch: Bao gồm các xã ven sông Trường Giang và ven biển của huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình; cụ thể các xã: Duy Thành, Duy Vinh, Duy Nghĩa và Duy Hải (huyện Duy Xuyên); Bình Giang, Bình Dương, Bình Triều, Bình Đào và Bình Minh (huyện Thăng Bình).

Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 118,4 km2, giai đoạn thực hiện đến 2030 và đến 2045.

3. Quy hoạch chung xây dựng khu vực sông Thu Bồn, đoạn từ cầu Giao Thủy đến Cửa Đại, giai đoạn đến năm 2030 và năm 2045.

Phạm vi, ranh giới, quy mô lập quy hoạch: Thuộc địa phận hành chính của các xã, phường Cửa Đại, Cẩm Thanh, Cẩm Nam, Cẩm Kim (thành phố Hội An); Điện Phương, Điện Minh, Điện Phước, Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang (thị xã Điện Bàn); Đại Hòa (huyện Đại Lộc); Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Vinh, Duy Thành, Duy Phước, Nam Phước, Duy Trinh, Duy Châu (huyện Duy Xuyên).

Ranh giới cụ thể:

  • Phía Đông: Giáp Cửa Đại
  • Phía Tây: Giáp cầu Giao Thủy
  • Phía Bắc: Cách bờ sông khoảng từ 20 m đến 1.300 m, được giới hạn bởi các tuyến đường ven sông theo Quy hoạch chung đô thị Hội An, Quy hoạch chung đô thị Điện Bàn và Quy hoạch xây dựng vùng huyện Đại Lộc.
  • Phía Nam: Cách bờ sông khoảng từ 20 m đến 600 m, được giới hạn bởi các tuyến đường Quốc lộ 14H, đường ven sông theo Quy hoạch chung đô thị Nam Phước, Quy hoạch chung đô thị Duy Hải – Duy Nghĩa và Quy hoạch xây dựng vùng huyện Duy Xuyên.

Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 9.516 ha; trong đó, phần diện tích đất hai bên bờ sông và cồn bãi là 6.945 ha, diện tích mặt nước là 2.571 ha.Giai đoạn quy hoạch, đến năm 2030. Dài hạn: Đến năm 2045.

4. Quy hoạch phân khu xây dựng (tỉ lệ 1/2.000) Khu dân cư đô thị, du lịch, dịch vụ Đông Nam Thăng Bình 2

Phạm vi, ranh giới, quy mô lập quy hoạch: Nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai; thuộc địa phận hành chính các xã Bình Minh, Bình Đào, Bình Hải, Bình Triều và Bình Sa, huyện Thăng Bình.

Ranh giới cụ thể:

  • Phía Đông Bắc: Giáp biển Đông.
  • Phía Đông Nam: Giáp đường Võ Chí Công.
  • Phía Tây Bắc: Giáp ranh giới Khu kinh tế mở Chu Lai.
  • Phía Tây Nam: Giáp khu công nghệ cao và đất định hướng quy hoạch rừng phòng hộ.

Tổng diện tích lập quy hoạch: Khoảng 2.785ha. Giai đoạn quy hoạch: Đến năm 2025. Dài hạn: Đến năm 2030.

5. Quy hoạch phân khu xây dựng (tỉ lệ 1/2.000) Khu dân cư đô thị, du lịch, dịch vụ Đông Nam Thăng Bình 3.

Phạm vi ranh giới, quy mô lập quy hoạch: Nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai; thuộc địa phận hành chính các xã Bình Sa và Bình Nam, huyện Thăng Bình.

Ranh giới cụ thể:

  • Phía Đông Bắc: Giáp sông Trường Giang.
  • Phía Đông Nam: Giáp ranh giới xã Tam Thăng, thành phố Tam Kỳ.
  • Phía Tây Bắc: Giáp đường Võ Chí Công.
  • Phía Tây Nam: Giáp đường Võ Chí Công.

Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 1.828ha. Giai đoạn quy hoạch: Đến năm 2025. Dài hạn: Đến năm 2030. 

6. Quy hoạch phân khu xây dựng (tỉ lệ 1/2.000) Khu đô thị Tam Anh Bắc.

Phạm vi, ranh giới, quy mô lập quy hoạch: Nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai; thuộc địa phận hành chính các xã Tam Anh Bắc và xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành.

Ranh giới cụ thể:

  • Phía Đông Bắc: Giáp sông Tam Kỳ.
  • Phía Đông Nam: Giáp sông Chợ, Khu tái định cư Tam Anh Nam và Khu công nghiệp Tam Anh – Hàn Quốc;
  • Phía Tây Bắc: Giáp sông Bà Bầu và đất định hướng quy hoạch đất nông nghiệp.
  • Phía Tây Nam: Giáp Khu công nghiệp Tam Anh – Hàn Quốc và đất quy hoạch đất nông nghiệp.

Tổng diện tích lập quy hoạch khoảng 1.157ha. Giai đoạn quy hoạch: Đến năm 2025. Dài hạn: Đến năm 2030.

7. Quy hoạch phân khu xây dựng (tỉ lệ 1/2.000) Khu dân cư, dịch vụ du lịch gắn với làng nghề Tam Tiến.

Phạm vi, ranh giới, quy mô lập quy hoạch: Nằm trong Khu kinh tế mở Chu Lai, thuộc địa phận hành chính xã Tam Tiến, huyện Núi Thành.

Ranh giới cụ thể:

  • Phía Đông Bắc: Giáp biển Đông.
  • Phía Đông Nam: Giáp Khu dân cư đô thị, du lịch, dịch vụ Tam Hòa Tam Tiến.
  • Phía Tây Bắc: Giáp ranh giới xã Tam Thanh và Tam Phú, thành phố Tam Kỳ.
  • Phía Tây Nam: Giáp ranh giới Khu kinh tế mở Chu Lai.

Tổng diện tích lập quy hoạch: Khoảng 1.374ha. Giai đoạn quy hoạch: Đến năm 2025. Dài hạn: Đến năm 2030. 

Hội đồng nhân tỉnh cũng giao Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt nhiệm vụ và dự toán, tổ chức lập quy hoạch theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Xem chi tiết quy hoạch giao thông, quy hoạch sử dụng đất TP. Tam Kỳ 2030 TẠI ĐÂY!

Tham khảo thêm: 

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến 2030

Quy hoạch huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam đến 2030

 


4.8/5 - (10 bình chọn)
Bài trướcQuy hoạch thành phố Long Xuyên đến 2025, định hướng đến 2030
Bài tiếp theoQuy hoạch huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam đến 2030

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây