Người dân Việt Nam ở các vùng quê sau khi thu hoạch lúa thì thường phơi lúa ngoài đường cho khô mới mang về. Điều đó dễ gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Bạn đọc hỏi?
Những ngày nắng nóng vừa qua, người dân ở quê tôi mang lúa, rơm ra phơi 2 bên đường rất nhiều. Trong một lần di chuyển bằng xe máy, do tránh chướng ngại vật, tôi lao vào chỗ lúa bên đường và bị trượt ngã, gãy tay.
Tôi có quyền yêu cầu người phơi lúa bồi thường cho mình không? Và pháp luật quy định xử lý hành vi này như thế nào?
Trả lời:
Phơi thóc, lúa, rơm rạ, nông sản hoặc để vật khác trên đường bộ là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ 2008. Với hành vi này, Khoản 1, Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt như sau:
“Điều 12. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về sử dụng, khai thác trong phạm vi đất dành cho đường bộ
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: b) Phơi thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản trên đường bộ; đặt máy tuốt lúa trên đường bộ”.
Với hành vi phơi thóc trên đường, người vi phạm sẽ bị phạt tiền 100.000-200.000 đồng. Ngoài ra, theo điểm a, Khoản 10, Điều 12 nghị định này, họ còn phải buộc thu dọn thóc, lúa, rơm, rạ, nông, lâm, hải sản, thiết bị trên đường bộ.
Dưới góc độ dân sự, bạn có quyền yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường toàn bộ thiệt hại về sức khỏe, vật chất và phần thu nhập bị giảm sút do lỗi của họ gây ra. Việc xác định bồi thường thiệt hại do các bên thỏa thuận, dựa trên quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Ngoài ra, nếu người điều khiển phương tiện bị thương tật 61% trở lên, người phơi thóc còn có thể bị xử lý hình sự về tội Cản trở giao thông đường bộ theo Khoản 1, Điều 261 Bộ luật hình sự 2015 với mức án tối đa 3 năm tù.
Như vậy với hành vi phơi lúa ngoài đường gây tai nạn thì nạn nhân có quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại.