Trang chủ Quy hoạch Phê duyệt quy hoạch vùng huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

Phê duyệt quy hoạch vùng huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa

267
0

UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch vùng huyện Quan Sơn đến 2045 với định hướng phát triển 3 khu đô thị với 03 phân vùng phát triển dọc quốc lộ 217.

Ngày 29/12/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 5449/QĐ_UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045.


Theo đồ án, Phạm vi lập quy hoạch xây dựng vùng huyện Quan Sơn bao gồm toàn bộ địa giới huyện Quan Sơn (11 xã và 1 thị trấn), ranh giới xác định như sau:

  • Phía Bắc giáp huyện Quan Hóa;
  • Phía Nam giáp nước CHDCND Lào;
  • Phía Đông giáp huyện Lang Chánh, Bá Thước;
  • Phía Tây giáp nước CHDCND Lào.

Dự báo dân số đến năm 2045: khoảng 55.000 người; dân số đô thị khoảng: 25.000; tỷ lệ đô thị hóa đạt: 45,4%. Dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng: 700 ha (chiếm 0,8% tổng diện tích tự nhiên); đến năm 2045 khoảng: 1.800 ha (chiếm 1,9% tổng diện tích tự nhiên).

Tính chất quy hoạch vùng huyện Quan Sơn được xác định là cửa ngõ phía Tây của tỉnh Thanh Hóa với nước CHDCND Lào, có vai trò hỗ trợ và kết nối với các khu vực phụ cận thông qua hành lang kinh tế Quốc tế Đông – Tây và đường nối các huyện phía Tây Thanh Hóa. Là vùng
phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó lấy phát triển kinh tế cửa khẩu là định hướng phát triển ưu tiên.


Định hướng phát triển không gian vùng huyện Quan Sơn

Quy hoạch xác định phát triển vùng huyện Quan Sơn theo mô hình: “một tuyến hành lang kinh tế” dọc Quốc lộ 217, có vai trò kết nối các khu đô thị và khu kinh tế (KKT) cửa khẩu.

Phát triển 03 đô thị là trung tâm phát triển vùng gồm:

  • (1) Khu trung tâm là thị trấn huyện lỵ Sơn Lư;
  • (2) khu vực phía Tây là đô thị Na Mèo gắn với KKT cửa khẩu quốc tế;
  • (3) khu phía Đông là đô thị Trung Hạ.
Sơ đồ phát triển không gian vùng huyện Quan Sơn đến 2045
Sơ đồ phát triển không gian vùng huyện Quan Sơn đến 2045

Trên cơ sở tuyến QL217, hình thành hành lang phát triển kinh tế xuyên suốt theo chiều dài huyện từ đô thị Trung Hạ – thị trấn Sơn Lư – đô thị Na Mèo.


Hình thành và phát triển khu kinh tế cửa khẩu Na Mèo trở thành một cửa ngõ giao thương kinh tế – văn hóa quan trọng trong quan hệ hợp tác kinh tế Việt Nam – Lào; là động lực phát triển kinh tế vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn; là điểm đầu phía Tây của Hành lang phát triển Quốc tế của tỉnh Thanh Hóa, kết nối trực tiếp với CHK Thọ Xuân và KKT Nghi Sơn.

Xác định các phân vùng phát triển huyện Quan Sơn

Toàn vùng huyện Quan Sơn được phân chia thành 03 tiểu vùng như sau:

Phân vùng phía Tây: Gắn với khu kinh tế cửa khẩu, quốc phòng, an ninh của huyện Quan Sơn, gồm 04 xã: Na Mèo, Sơn Điện, Sơn Thủy, Mường Mìn. Có tổng diện tích khoảng 442,59 km2, dân số hiện trạng khoảng 15.251 người.


Phân vùng trung tâm: Là trung tâm chính trị, kinh tế – xã hội của huyện Quan Sơn, gồm thị trấn Sơn Lư và 03 xã: Sơn Hà, Tam Thanh, Tam Lư, có tổng diện tích khoảng 215,02km2, dân số hiện trạng khoảng 14.711 người, trong đó lấy thị trấn Sơn Lư là trung tâm vùng.

Phân vùng phía Đông: Là khu vực cửa ngõ phía Đông của huyện Quan Sơn, gồm 04 xã Trung Xuân, Trung Tiến, Trung Hạ, Trung Thượng, có diện tích khoảng 180,0km2, dân số hiện trạng khoảng 11.036 người, trong đó lấy đô thị Trung Hạ là trung tâm vùng.

Ngoài ra, toàn huyện Quan Sơn chia thành 03 tiểu vùng kiểm soát, quản lý phát triển được cụ thể hóa thành các vùng như sau:

  • Vùng phát triển: Gồm các khu vực dự kiến hình thành KKT cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (trong đó bao gồm thị trấn Sơn Lư; đô thị Na Mèo) và đô thị Trung Hạ.
  • Vùng hạn chế phát triển: khu vực khoanh vùng bảo vệ các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được công nhận.
  • Vùng cấm phát triển: bao gồm các khu vực quốc phòng, an ninh; rừng phòng hộ.

Định hướng vùng phát triển đô thị toàn huyện Quan Sơn

Đồ án quy hoạch vùng định hướng đến năm 2030, huyện Quan Sơn có 02 đô thị, bao gồm:

(1) Thị trấn Sơn Lư: Phạm vi ranh giới: Bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của thị trấn Sơn Lư. Tổng diện tích: 5.408ha.

  • Dân số hiện trạng (năm 2020): 5.366 người; dự báo đến năm 2030 dân số khoảng 7.500 người.
  • Tính chất: Là thị trấn huyện lỵ, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của huyện Quan Sơn; Là đầu mối dịch vụ thương mại tổng hợp của huyện Quan Sơn và vùng phụ cận.

Ngày 24/8/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 2879/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035.

Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn, giới hạn cụ thể như sau:

  • Phía Bắc giáp xã Trung Thượng, xã Nam Động – huyện Quan Hóa;
  • Phía Nam giáp xã Tam Lư, xã Tam Thanh;
  • Phía Đông giáp xã Sơn Hà;
  • Phía Tây giáp xã Sơn Điện

Định hướng phát triển không gian đô thị Thị trấn Sơn Lư phát triển trên cơ sở các không gian chủ đạo gồm:

  • Trục Quốc lộ 217 nối từ Khu kinh tế Nghi Sơn – Cảng hàng không Quốc tế Thọ Xuân đi Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo; Quốc lộ 16 là trục kinh tế quan trọng, cùng với QL15 kết nối các huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa và khu vực các tỉnh Tây Bắc Bộ; đường Trung Thượng – Sơn Lư nối từ xã Trung Thượng đi QL16, thị trấn Sơn Lư phía hữu ngạn sông Lò.
  • Hệ thống sông suối (như sông Lò, suối Tuốp, suối Bìn, suối Hao…), hang động (như động Năng Non) và khu vực ruộng bậc thang, hồ thủy điện Sơn Lư (sau khi dự án nhà máy thủy điện Sơn Lư được đầu tư hoàn thành); nhà sàn các dân tộc… là cơ sở để hình thành các điểm du lịch tham quan, trải nghiệm, du lịch cộng đồng.
  • Phát triển, cải tạo hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

(2) Quy hoạch mới đô thị Na Mèo: Phạm vi ranh giới: Bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Na Mèo. Tổng diện tích:12.744,15ha.

  • Dân số hiện trạng (năm 2020): 3.934 người; dự báo đến năm 2030 dân số khoảng 5.500 người.
  • Tính chất: Là đô thị loại V, có chức năng là trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch, công nghiệp-TTCN gắn với KKT cửa khẩu Quốc tế Na Mèo; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội vùng phía Tây huyện Quan Sơn và khu vực lân cận.

Định hướng đến năm 2045, huyện Quan Sơn có 03 đô thị. Bao gồm:

  • (1) Thị trấn Sơn Lư dự báo dân số năm 2045 khoảng 10.000 người.
  • (2) Đô thị Na Mèo dự báo dân số năm 2045 khoảng 7.500 người.
  • (3) Dự kiến thành lập thêm đô thị mới Trung Hạ (gồm xã Trung Hạ và xã Trung Xuân), phù hợp với định hướng phát triển hệ thống đô thị theo quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được lập, trình thẩm định, phê duyệt.

Phạm vi ranh giới: Bao gồm diện tích tự nhiên xã Trung Hạ, xã Trung Xuân, diện tích lập quy hoạch khoảng 8481ha.

  • Dân số hiện trạng: 5.484 người; dự báo đến năm 2045 là 7.500 người.
  • Tính chất: Là đô thị loại V, có chức năng là trung tâm dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội vùng phía Đông huyện Quan Sơn và khu vực lân cận.

Quy hoạch phân bố không gian phát triển công nghiệp huyện Quan Sơn

Giai đoạn đến năm 2030: Giữ nguyên quy mô CCN Trung Hạ theo Quy hoạch cụm công nghiệp toàn tỉnh; thực hiện và bổ sung thêm 03 CCN mới để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của huyện Quan Sơn.

Giai đoạn sau năm 2030 đến năm 2045: Tăng quy mô CCN Trung Hạ lên 30ha; CCN Mường Mìn (tăng từ 10ha lên 20ha), bổ sung mới CCN Sơn Thủy, CCN Sơn Điện để đáp ứng nhu cầu và phù hợp với định hướng phát triển KKT cửa khẩu Na Mèo; phù hợp tình hình phát triển của huyện.

Tổng diện tích các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2045 khoảng 155 ha, thu hút khoảng 12.000 lao động, ưu tiên sử dụng lao động người địa phương.

Quy hoạch định hướng quy hoạch phát triển hệ thống giao thông

Hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Quan Sơn được quy hoạch cụ thể như sau:

Quốc lộ:

  • Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 217 đạt tiêu chuẩn cấp IV-III, quy mô 2 làn xe.
  • Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 16 đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV miền núi, quy mô 2 làn xe.

Đường tỉnh: Giai đoạn đến năm 2030: huyện Quan Sơn có 6 tuyến đường tỉnh, gồm:

  • Cải tạo, nâng cấp đường tuần tra biên giới có chiều dài 84 km chạy dọc biên giới Việt – Lào từ cửa khẩu quốc tế Na Mèo qua các xã Na Mèo; Mường Mìn; Sơn Điện; Tam Thanh; Tam Lư và Sơn Hà đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV miền núi.
  • Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 530B đạt quy mô đường cấp III, miền núi.
  • Nâng cấp đường nối QL217 và QL15C (Hồi Xuân – Tén Tằn) từ Sông Lò huyện Quan Sơn đến Nam Động huyện Quan Hóa đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV;
  • Nâng cấp đường tuần tra cơ động kết hợp kinh tế – xã hội từ Km 42- QL217 đi mốc biên giới H5 đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV miền núi.
  • Xây dựng mới đường tuần tra biên giới (đoạn từ của khẩu quốc tế Na Mèo đi ra các mốc 320, 321, 322, 323) đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV miền núi.
  • Nâng cấp đường giao thông từ quốc lộ 217 (xã Mường Mìn) đi đồn biên phòng Mường Mìn và từ Đồn biên phòng Mường Mìn đi đường tuần tra biên giới đạt quy mô tối thiểu đường cấp IV miền núi.

Giai đoạn đến năm 2045: Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III miền núi, quy mô 2-4 làn xe.

Đường huyện:

  • Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nối từ Quốc lộ 16 đi bản Bo, bản Hiềng xã Na Mèo, huyện Quan Sơn đạt quy mô đường cấp IV miền núi, kết cấu mặt đường bê tông nhựa.
  • Cải tạo, nâng cấp đường giao thông Trung Thượng – Sơn Lư đạt quy mô đường cấp IV miền núi, kết cấu mặt đường bê tông nhựa.
  • Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nối từ QL217 đi xã Trung Xuân đạt quy mô đường cấp IV miền núi, kết cấu mặt đường bê tông nhựa.
  • Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nối từ xã Trung Xuân đi quốc lộ 15 (Quan Hóa) đạt quy mô đường cấp IV miền núi, kết cấu mặt đường bê tông nhựa.
  • Cải tạo, nâng cấp đường giao thông nối từ QL217 đi xã Tam Lư, huyện Quan Sơn đạt quy mô đường cấp IV, miền núi, kết cấu mặt đường bê tông nhựa.

Giao thông tĩnh, giao thông công cộng:

  • Giữ nguyên bến xe khách tại khu 5 thị trấn Sơn Lư với diện tích 0,5 ha, là bến xe loại IV.
  • Bố trí thêm 2 bến xe khách tại xã Na Mèo và xã Tam Thanh với diện tích 0,5 ha đạt tiêu chuẩn bến xe loại IV.

Tài liệu kèm theo:


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình đến 2030
Bài tiếp theoQuy hoạch chung Thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận đến năm 2040

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây