Khu kinh tế Đông Nam sẽ trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Mở rộng quy mô diện tích lên 80.000 ha.
Tỉnh Nghệ An triển khai Quyết định số 4514/QĐ-UBND ngày 25/11/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Mục tiêu tổng quát
Xây dựng và phát triển Khu kinh tế Đông Nam thành khu vực phát triển kinh tế năng động, có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao trong khu vực Bắc Trung Bộ, trọng tâm phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại gắn liền với xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Cửa Lò, Đông Hồi. Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gia tăng giá trị sản xuất, tăng nguồn thu ngân sách, giải quyết nhiều việc làm và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu cụ thể
Giai đoạn 2021-2025:
- Điều chỉnh ranh giới Khu kinh tế Đông Nam lên 80.000ha (bao gồm 70.000ha đất liền và 10.000ha mặt nước biển) trong đó, diện tích khu công nghiệp khoảng 15.000ha, đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An; Quy hoạch phát triển 10 – 12 Khu công nghiệp ngoài Khu kinh tế với diện tích tự nhiên khoảng 4.500ha.
- Vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế, khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2025 đạt 19.912,7 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khoảng 1.050 tỷ đồng; nguồn vốn từ doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cảng biến khoảng 17.838,0 tỷ đồng; nguồn vốn khác (ODA, PPP,...) khoảng 1.024,7 tỷ đồng.
- Thu hút đầu tư 100 – 120 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 75.000 – 90.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 2,26 tỷ USD. Vốn đầu tư thực hiện ước đạt trên 60% so với vốn đầu tư đăng ký.
- Thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp đến năm 2025 chiếm khoảng 20 – 25% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
- Đến năm 2025, giải quyết việc làm cho khoảng 80.000 : 100.000 người lao động.
- Đáp ứng khoảng 25 – 30% nhà ở cho công nhân làm việc tại khu kinh tế, khu công nghiệp.
Giai đoạn 2026 – 2030:
- Phát triển kết cấu hạ tầng 3 – 5 khu công nghiệp mới, với diện tích khoảng 1.800 = 2.000 ha.
- Thu hút đầu tư 130 : 150 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 100.000 : 120.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nước ngoài khoảng 3,67 tỷ USD.
- Phấn đấu đến năm 2030, thu ngân sách trong Khu kinh tế Đông Nam, các khu công nghiệp chiếm khoảng 45 – 50% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm cho khoảng 150.000 – 180.000 người lao động.
Đổi mới quy hoạch phát triển không gian khu kinh tế, khu công nghiệp
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nói trên, tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể để phát triển Khu kinh tế Đông Nam theo hướng mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, gắn với phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và hành lang kinh tế Đông – Tây, đảm bảo liên kết, hợp tác với các trung tâm kinh tế trong khu vực. Cụ thể:
Năm 2021, hoàn thành phê duyệt điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam, tỉnh Nghệ An đến năm 2040. Mở rộng không gian KKT Đông Nam lên khoảng 80.000 ha; điều chỉnh giảm diện tích hoặc đưa ra khỏi quy hoạch các khu công nghiệp ngoài khu kinh tế của thời kỳ quy hoạch trước khó triển khai thực hiện, đồng thời bổ sung quy hoạch mới một số khu công nghiệp giai đoạn 2021–2025 từ 10 – 12 khu công nghiệp với diện tích khoảng 4.500 ha.
Năm 2022 và năm 2023, đề xuất điều chỉnh mở rộng ranh giới Khu kinh tế Đông Nam về phía Tây lên khoảng 80.000 ha (70.000 ha đất liền và 10.000ha mặt nước biển) theo trục đường N5 nối Hòa Sơn – Đô Lương, trục đường N2 nối Quốc lộ 7A, trục Quốc lộ 48D nối thị xã Hoàng Mai với huyện Nghĩa Đàn, tuyến Quốc lộ 1A (đoạn tránh thành phố Vinh) và khu vực ven biển để phát triển cảng biển, du lịch nghỉ dưỡng. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ đổi tên Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An thành Khu kinh tế Nghệ An.
Thành lập mới 02 khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ (Nam Cấm 685 ha, Thọ Lộc 850 ha); nghiên cứu phát triển khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ Tân Thắng (650ha), khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp chuyên sâu phục vụ các ngành công nghiệp hỗ trợ, ngành công nghiệp hóa chất cơ bản đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Việc mở rộng Khu kinh tế Đông Nam đảm bảo điều kiện không tác động tiêu cực đến các khu bảo tồn thiên nhiên, không gây ảnh hưởng xấu và làm tổn hại các di sản văn hóa vật thể, danh lam thắng cảnh, các quần thể kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học. Phù hợp với bố trí quốc phòng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, yêu cầu về môi trường, tài nguyên thiên nhiên, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.