Trang chủ Tin tức Nền tảng Blockchain có là cơ hội đầu tư bất động sản...

Nền tảng Blockchain có là cơ hội đầu tư bất động sản thời 4.0?

163
0

Mô hình chia nhỏ đầu tư thông qua nền tảng Blockchain đang giải quyết được một số rào cản của thị trường BĐS truyền thống. Nhà đầu tư có từ 1 triệu đồng tiền nhàn rỗi vẫn có thể tham gia đầu tư bất động sản.

Mô hình mới trong đầu tư BĐS bằng công nghệ Blockchain

Trước đây, nhà đầu tư BĐS phải có tiền từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng thì mới tham gia đầu tư vào thị trường BĐS được. Thời gian gần đây xuất hiện mô hình đầu tư BĐS trên nền tảng công nghệ Blockchain đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, giúp khả năng thanh khoản cho thị trường BĐS trong thời gian dịch bệnh kéo dài.


Theo đó, nhà đầu tư chỉ cần có từ 1 triệu đồng là có thể tham gia vào thị trường đầu tư BĐS với tỉ suất lợi nhuận mang về cũng khá hấp dẫn, có thể đạt từ 11-16,5%/năm.

Một dự án đang được triển khai theo hình thức chia nhỏ đầu tư tại Đà Nẵng
Một dự án đang được triển khai theo hình thức chia nhỏ đầu tư tại Đà Nẵng của Tập đoàn Đầu tư Quốc tế KSFinance 

Mô hình gọi vốn theo hình thức chia nhỏ tài sản

Đây là một mô hình mới xuất hiện tại Việt Nam thời gian gần đây, tuy nhiên trên thế giới loại hình này cũng đã xuất hiện khá lâu tại nhiều quốc gia. Mô hình đầu tư mới này có phương thức hoạt động gần tương đồng với Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REIT) áp dụng công nghệ Blockchain vào lĩnh vực bất động sản.

Hình thức này mở ra thế giới tiền tệ mã hóa tài sản cho những người có nguồn tài chính ít ỏi tham gia thị trường. Có thể xem cách làm này là một giải pháp bổ sung và có triển vọng thay thế linh hoạt cho các phương pháp đầu tư bất động sản truyền thống.


Những đơn vị đã triển khai tại Việt Nam

1. Tập đoàn Đầu tư Quốc tế KSFinance

Với mô hình đầu tư BĐS – tài chính KSInvest áp dụng công nghệ 4.0 đang triển khai chuỗi dự án có thương hiệu BĐS hàng đầu Việt Nam như:

  • Sunshine Homes
  • Sunshine Heritage Hà Nội
  • Sunshine Heritage Mũi Né
  • Sunshine Heritage Đà Nẵng,…

Nhà đầu tư cá nhân tham gia mô hình đầu tư này được cam kết mức lợi nhuận lên đến 11%/năm tùy thuộc vào thời hạn hợp tác đầu tư.

2. Houze Group

Mới đây Houze Group đã đưa ra giải pháp đầu tư Houze Invest. Với hình thức này, nhà đầu tư có thể tiếp cận dự án bất động sản với dòng vốn thấp hơn gấp nhiều lần giá trị tài sản, đồng thời vẫn được đảm bảo đã rà soát pháp lý dự án đầy đủ.


Cụ thể, với vốn đầu tư từ 1 triệu đồng đến vài chục hoặc vài trăm triệu đồng, nhà đầu tư có thể tham gia đầu tư BĐS theo hình thức góp vốn. Nhà đầu tư tạo tài khoản, nạp tiền vào tài khoản trên nền tảng trực tuyến, chọn dự án mình muốn đầu tư. Sau khi đầu tư thành công, NĐT sẽ nhận được hợp đồng hợp tác đầu tư và các tài liệu liên quan được gửi về email của NĐT. NĐT sẽ được nhận lợi nhuận đầu tư định kỳ và đến cuối kỳ nhận lại toàn bộ vốn đầu tư được chủ sản phẩm đầu tư chi trả thông qua Houze Invest.

Với hình thức đầu tư này, nhà đầu tư được cam kết lợi nhuận cố định khoảng 11%/năm. Với kì hạn đầu tư 18 tháng, nhà đầu tư được chia lợi nhuận trên vốn lên đến 16,5%.

Mô hình đầu tư BĐS bằng hình thức chia nhỏ tài sản, sử dụng nền tảng Blockchain
Mô hình đầu tư BĐS bằng hình thức chia nhỏ tài sản, sử dụng nền tảng Blockchain

3. CenGroup

Cuối năm 2020 CenGroup cũng đã áp dụng mô hình đầu tư BĐS thông qua nền tảng công nghệ Revex của CĐT CenGroup. Revex. Đây là loại hình hợp tác đầu tư được xây dựng trên nền tảng Smart Contract (hợp đồng thông minh) với nền tảng Blockchain. Revex là nền tảng trung gian kết nối giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư bất động sản.


Tại Revex, giao dịch được thực hiện và ghi nhận vào hệ thống bằng các Hợp đồng thông minh (Smart Contract). Hợp đồng thông minh là phiên bản mới nhất (2.0) của công nghệ Blockchain. Không ai có thể sửa hoặc thay đổi được. Các gói đầu tư sẽ được đánh mã để đảm bảo đầu tư chính xác lượng vốn vào tài sản, loại bỏ khả năng đầu tư vượt giá trị tài sản. Công nghệ Blockchain sẽ đảm bảo tính công khai của thị trường, minh bạch của giao dịch và sự toàn vẹn của thông tin.

Như vậy để thấy, trên thế giới, mô hình đầu tư BĐS thông qua nền tảng công nghệ này đã phát triển từ khá lâu và xuất hiện nhiều thương hiệu nổi bật là thay đổi khá nhiều hành vi của nhà đầu tư trong ngành bất động sản. Trong đó, điển hình phải kể đến như Roofstock One, Cadre, Fundrise (Mỹ), PropertyShare (Ấn Độ), Brickx (Úc). Trong khi tại Việt Nam, mô hình đầu tư này còn khá mới mẻ, chỉ có một số doanh nghiệp tiên phong đi đầu, cho thấy sự nỗ lực của các đơn vị này muốn tìm hướng đi mới cho thị trường, hỗ trợ cả chủ đầu tư lẫn khách hàng đầu tư.

Nền tảng Blockchain là gì?

Blockchain  là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối thông tin đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết tới khối trước đó, kèm một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Blockchain được thiết kế để chống lại việc thay đổi của dữ liệu: Một khi dữ liệu đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được nó.

Blockchain được đảm bảo nhờ cách thiết kế sử dụng hệ thống tính toán phân cấp với khả năng chịu lỗi byzantine cao. Vì vậy sự đồng thuận phân cấp có thể đạt được nhờ Blockchain. Vì vậy Blockchain phù hợp để ghi lại những sự kiện, hồ sơ y tế, xử lý giao dịch, công chứng, danh tính và chứng minh nguồn gốc. Việc này có tiềm năng giúp xóa bỏ các hậu quả lớn khi dữ liệu bị thay đổi trong bối cảnh thương mại toàn cầu.

Mô hình đầu tư BĐS trên nền tảng Blockchain có rủi ro không?

Theo chuyên gia kinh tế – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, hoạt động đầu tư trên blockchain này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là cho người tham gia giao dịch.

Ông Thịnh cho biết, người mua mỗi phần nhỏ này không sở hữu toàn bộ tài sản này mà quyền ở trong tay chủ sở hữu hoặc doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đứng ra làm trung gian mua bán. Điều này kéo theo nhiều rủi ro cho người tham gia, bởi họ không có quyền định đoạt số phận của bất động sản đó, họ chỉ có quyền đối với phần bất động sản mà họ mua mà thôi.

Ngoài ra, một điểm khác được PGS.TS Đinh Trọng Thịnh lưu ý, đó là việc chia nhỏ bất động sản để gọi vốn như thế này sẽ đẩy giá nhà lên cao. “Việc mua toàn bộ một bất động sản giá cao thì khó, nhưng nếu mua một phần của bất động sản đó thì rất dễ dàng, và như thế bất động sản cũng có thể tăng giá lên một cách dễ dàng”, ông Thịnh nói.

Trong khi đó, các luật sư cho rằng, đây là hình thức mua bán bất động sản lách luật. Bởi theo luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, luật Dân sự thì không có quy định nào về việc chia nhỏ giá trị bất động sản thành nhiều phần để bán cho nhiều người.

“Tuy nhiên ở đây quyền sử dụng tài sản không phải của tập thể nhà đầu tư góp vốn mà chính là chủ doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp đó phá sản sẽ rất khó truy cứu trách nhiệm”, luật sư Nguyễn Tiến (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói.

Bài viết trên đây cung cấp thêm cho các nhà đầu tư có thêm nhận định và quyết định đầu tư. Nhà đầu tư cũng nên thận trọng, tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư để tránh rủi ro cho chính mình.

V.P

 


4.8/5 - (11 bình chọn)
Bài trướcNguy cơ người thu nhập thấp không được vay mua nhà ở xã hội?
Bài tiếp theoThanh Hóa sắp có Khu đô thị hơn 1.900 ha tại xã Giang Quang, huyện Thiệu Hóa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây