Trang chủ Đời sống Lễ Khai ấn đền Trần – Nam Định xuất phát từ năm...

Lễ Khai ấn đền Trần – Nam Định xuất phát từ năm 1239 được tổ chức lại từ xuân Quý Mão 2023

131
0

Lễ Khai ấn đền Trần – Nam Định là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Được tổ chức trở lại vào dịp Xuân Quý Mão 2023 sau 2 năm dịch bệnh Covid – 19.

Đền Trần là khu đền thờ các vị vua đời Trần tọa lạc tại đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định (sát quốc lộ 10). Nơi đây vào đúng giờ Tý rằm tháng Giêng âm lịch hàng năm có lễ Khai ấn. Đền Trần được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1962.


Lễ hội khai ấn đền Trần - Nam Định
Lễ hội khai ấn đền Trần – Nam Định

Lễ khai ấn có từ bao giờ?

Lễ khai ấn là một tập tục từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Những năm kháng chiến chống Nguyên- Mông sau đó, Lễ khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.

Thiên Trường không phải là Kinh đô nước Việt nhưng gắn với việc khai ấn là bởi trong kháng chiến chống Nguyên – Mông, Thăng Long thực hiện vườn không nhà trống, rút lui chiến lược thì nơi đây là căn cứ địa dễ tiến thoái như một “Thủ đô kháng chiến” theo cách gọi hiện đại để tận dụng địa thế và huy động sức người sức của cả một vùng trấn Sơn Nam, phủ Thiên Trường… Vậy nên danh sĩ Phạm Sư Mạnh mới gọi nơi đây là “Hùng thắng Đông kinh hộ ấn vàng…”.

Những lá ấn được phát tại đền Trần - Nam Định
Những lá ấn được phát tại đền Trần – Nam Định

Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng qua Ninh Bình có ghé lại đây và cho khắc lại. Ấn cũ khắc là “Trần triều chi bảo”, ấn mới khắc là “Trần triều điển cố” để nhắc lại tích cũ. Dưới đó có thêm câu “Tích phúc vô cương”.


Và từ đây, Lễ Khai ấn đền Trần – Nam Định trở thành một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là “tín hiệu nhắc nhở” chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc. Tương truyền các vua Trần nghỉ tết âm lịch hàng năm đến rằm tháng Giêng thì Khai ấn trở lại quốc sự.

Điều cần biết về đền Trần

Đền Trần là tên gọi chung, bao gồm đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, được khởi dựng từ thời Hậu Lê và đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo, được dựng từ thời Nguyễn.

Đền Trần thuộc thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định. Tức Mặc là mảnh đất dấy nghiệp, là quê hương của Vương triều Trần. Chính vì thế, từ năm 1239 nhà Vua cho dựng cung điện ở đây để lấy chỗ đi lại, chơi thăm với nhiều công trình kiến trúc như điện Trùng Quang nơi Thượng Hoàng về ngự, điện Trùng Hoa nơi các vua Trần về chầu. Theo các tư liệu khai quật khảo cổ, khu đền Trần được xây dựng trên nền cũ của cung điện Trùng Quang và Trùng Hoa.


Đầu năm 1262, trước khi xây dựng quy mô ở Tức Mặc, nhà Trần đã thăng làng này lên làm phủ Thiên Trường. Đây là một vùng đất rộng bao gồm thành phố Nam Định, chín xã phía nam huyện Bình Lục, huyện Nam Ninh thuộc tỉnh Nam Hà (cũ) và phía nam huyện Thư Trì tỉnh Thái Bình hiện nay. Tức Mặc lúc đó là thủ phủ của đất Thiên Trường. Tức Mặc trở thành một kinh thành lớn lúc đương thời, chỉ đứng sau Thăng Long.

Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là đền Thiên Trường (hay đền Thượng), đền Cố Trạch (hay đền Hạ) và đền Trùng Hoa. Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ (chính nam môn – cổng chính phía nam). Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiền Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch.

Cả 3 đền đều có kiến trúc chung, và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu vu.


Công vào đền Trần - Nam Định
Công vào đền Trần – Nam Định

Đền Thiên Trường 

Đền Thiên Trường được xây trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ họ của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Đền Trần hiện nay được dựng vào năm thứ 15 niên hiệu Chính Hòa (tức năm 1695). Các năm 1773, 1854, 1895, 1907-1908, đền được mở rộng và xây thêm.

Đền Thiên Trường gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, siêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy tả hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch.

Đền Cố Trạch 

Đền Cố Trạch nằm phía Đông của đền Thiên Trường. Nhìn từ sân, là bên phải đền Thiên Trường. Đền Cố Trạch được xây vào năm 1894. Theo bia Trùng kiến Hưng Đạo thân vương cố trạch bi kí, thì lúc tu sửa đền Thiên Trường năm 21 đời Tự Đức (năm 1868), người ta đào thấy ở phía Đông đền Thiên Trường một mảnh bia vỡ có ghi chữ Hưng Đạo thân vương cố trạch (nhà cũ của Hưng Đạo thân vương). Do đó khi xây đền này vào năm 1894 khánh thành vào năm 1895, đền được đặt tên là Cố Trạch Từ (đền nhà cũ). Đền Hạ là tên thường gọi.

Đền Cố Trạch đặt bài vị của Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Tiền đường của đền Cố Trạch là nơi đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo, đó là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa.

Đền Trùng Hoa 

Đền Trùng Hoa được xây dựng năm 2000, trên nền cung Trùng Hoa xưa – nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương là nơi đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.

Nghi Lễ khai ấn đền Trần – Nam Định

Lễ khai ấn tại đền Cố Trạch và Thiên Trường hàng năm vẫn được dân làng Tức Mạc duy trì đến nay, xong về hình thức nghi lễ có phần đơn giản hơn trước đây.

Sau lễ khai ấn đầu năm tại đền Cố Trạch và Thiên Trường còn có lễ hội lớn được mở vào dịp từ 15 đến 20/8 âm lịch hàng năm.

Cũng như những lễ hội khác, lễ hội này bao gồm các nghi lễ và sinh hoạt văn hoá dân gian từ xưa. Nghi lễ ở đây diễn ra với các lễ rước từ các đền chùa xung quanh về làm lễ dâng hương và tề tựu ở đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần và đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo.

Các đám rước gồm có: cờ, bát kiệu, kiệu long đình, đội trống nhạc lễ cùng đông đủ các bô lão và dân các làng xung quanh tham dự. Khi đám rước về đến đền thi nghi lễ được diễn ra.

Lễ rước kiệu Ngọc Lộ
Lễ rước kiệu Ngọc Lộ

Vào đêm khai ấn, từ 22h40 bắt đầu diễn ra nghi lễ dâng hương các vị vua Trần, do UBND thành phố Nam Định chủ trì. Sau đó là lễ rước kiệu ấn từ sân đền Cố Trạch qua cổng chính tới đền Thiên Trường.

Nghi lễ khai ấn bắt đầu từ 23h15 tại ban thờ Trung thiên đền Thiên Trường, với 14 cụ cao niên trong dòng họ Trần tại làng Tức Mặc, phường Lộc Vượng và đại diện một số ban, ngành, đoàn thể chứng kiến nghi lễ đóng dấu khai ấn (14 cánh ấn bằng giấy màu vàng).

Những lá ấn này sau đó được dâng lên các đình, chùa thuộc phường Lộc Vượng…

Sau khi hoàn thành các nghi lễ chính, từ 23h55 cửa đền mới mở để người dân và khách thập phương vào lễ đầu năm. Từ 5h ngày rằm tháng giêng bắt đầu phát ấn cho nhân dân và du khách thập phương.

Lễ hội khai ấn còn có các hoạt động văn hoá khá phong phú và độc đáo như hội diễn võ củ 3 thế hệ (ông, cha, con), tại sân đền Thiên Trường còn diễn ra cuộc đấu vật, múa rồng, múa sư tử, hội chọi gà, ném vòng cổ chai, chơi đu, chơi cờ thẻ…

Lễ hội Khai ấn đền Trần – Nam Định – Xuân Quý Mão 2023

Chiều 6-12/2022, lãnh đạo UBND thành phố Nam Định (tỉnh Nam Định) cho biết, sau ba năm (2020 – 2022) phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19, Lễ hội khai ấn đền Trần – Nam Định (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định) Xuân Quý Mão 2023 được Thường trực Tỉnh ủy Nam Định cho phép tổ chức trở lại, tạo điều kiện cho nhân dân, du khách tới tham quan.

UBND tỉnh Nam Định sẽ tổ chức Lễ khai ấn đền Trần vào dịp Xuân Quý Mão 2023
UBND tỉnh Nam Định sẽ tổ chức Lễ khai ấn đền Trần vào dịp Xuân Quý Mão 2023

Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 6-2-2023 (tức là từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng Quý Mão) với nhiều hoạt động nghi lễ đặc sắc như Lễ rước kiệu Ngọc Lộ vào ngày 11 tháng Giêng (1-2-2023); Lễ rước Nước, tế Cá ngày 12 tháng Giêng (2-2-2023).

Từ ngày 14 tháng Giêng (4-2-2023), UBND thành phố Nam Định sẽ chủ trì các hoạt động dâng hương tại Đền Thiên Trường. Trong thời gian làm Lễ Khai ấn, Ban tổ chức đóng cửa Đền Thiên Trường để đảm bảo sự tôn nghiêm của nghi lễ truyền thống.

Từ 5h00 ngày 15 tháng Giêng (5-2-2023) trở đi tổ chức phát tờ Ấn cho nhân dân và du khách thập phương tại 3 nhà Giải Vũ, Nhà trưng bày Đền Trùng Hoa.

UBND thành phố Nam Định và Ban tổ chức Lễ hội Đền Trần đã phân công trách nhiệm cho các Tiểu ban và các thành viên đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự trong thời gian diễn ra Lễ hội, nhất là thời điểm phát Ấn cho khách thập phương, cũng như đảm bảo đủ số lượng Ấn để phát cho người dân.


Rate this post
Bài trướcMức hỗ trợ vay mua nhà năm 2023 của các ngân hàng là 5%
Bài tiếp theoThanh Hóa xây dựng tuyến đường nối cao tốc Bắc – Nam, Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn với 1.345 tỷ đồng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây