Trang chủ Công nghiệp Khu công nghiệp Lý Thường Kiệt tỉnh Hưng Yên tỷ lệ 1/2000

Khu công nghiệp Lý Thường Kiệt tỉnh Hưng Yên tỷ lệ 1/2000

480
0
Bản đồ hiện trạng và kiến trúc cảnh quan

Tính chất khu công nghiệp

Khu công nghiệp Lý Thường Kiệt đã được Ban quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên thoả thuận tại Công văn số 346/BQL-QH&MT ngày 10/9/2010 với tính chất là khu công nghiệp tập trung chủ yếu vào các ngành, lĩnh vực sau:

  • Sản xuất, lắp ráp thiết bị điện, điện tử, điện lạnh, các sản phẩm từ công nghệ mới, kỹ thuật cao phục vụ các ngành điện tử, công nghệ thông tin, năng lượng mới.
  • Sản xuất, chế tạo cơ khí, chế tạo máy móc, thiết bị, cơ khí lắp ráp.
  • Ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành sản xuất ô tô, xe máy, máy móc thiết bị, đồ gia dụng.
  • Kho vận, dịch vụ vận tải, kho bãi, trưng bày giới thiệu sản phẩm.

Vị trí và phạm vi ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch

Ranh giới lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Lý Thường Kiệt được thực hiện trên khu đất thuộc địa bàn quản lý của xã Hồng Tiến, Đồng Tiến, huyện Khoái Châu; xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ; xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi – tỉnh Hưng Yên. Ranh giới cụ thể như sau:


  • Phía Bắc giáp: Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
  • Phía Tây Bắc giáp: Đường dẫn lên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
  • Phía Nam giáp: Đất canh tác xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi và xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu.
  • Phía Đông giáp: Đất canh tác xã Vân Du, huyện Ân Thi.
  • Phía Tây giáp: Đường bộ nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ – Ninh Bình (đường nối 2 cao tốc)

Quy mô đất đai 

Căn cứ nội dung Công văn số 1038/TTg-KTN ngày 17/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên đến năm 2020 thì Khu công nghiệp Lý Thường Kiệt có quy mô là 300ha. Tuy nhiên, do thực tế hiện trạng quỹ đất nên tổng diện tích lập Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu công nghiệp Lý Thường Kiệt là 317,01 ha, bao gồm:

  • Đất xây dựng khu công nghiệp là 294,56 ha
  • Đường gom cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là: 5,5ha
  • Đất ở hiện trạng thôn Dã Cầu là: 7,52ha
  • Đất nông trường Tam Thiên Mẫu và đường khu vực là: 9,43ha.

Cơ cấu tỷ lệ sử dụng đất nêu trên phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng hiện hành. Các chỉ tiêu sử dụng đất như: tầng cao, mật độ xây dựng, khoảng lùi… cho các khu chức năng khu công nghiệp sẽ được xem xét cụ thể tùy thuộc vào diện tích lô đất của dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn về quy hoạch xây dựng.

Kế hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất

Quy hoạch không gian kiến trúc và phân khu chức năng:

Định hướng phát triển không gian kiến trúc cảnh quan và phân khu chức năng KCN được thống nhất trên toàn bộ diện tích nghiên cứu quy hoạch và được tổ chức như sau:


  • Các khu chức năng khu công nghiệp được hình thành trên cơ sở định hướng phát triển giao thông nội bộ khu công nghiệp, được thiết kế theo dạng ô cờ, kết nối với giao thông đối ngoại KCN là đường nối 2 cao tốc và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, và đường dẫn lên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, và đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đảm bảo nhu cầu giao thông vận tải cho khu công nghiệp.
  • – Khu trung tâm điều hành với các công trình theo kiến trúc hiện đại, được bố trí ở phía Nam KCN, nằm trên đường trục chính vào KCN, thuận tiện về giao thông và là điểm nhấn kiến trúc cho KCN.
  • Các lô đất xây dựng nhà máy bố trí dọc theo các tuyến đường nội bộ của KCN. Các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp được quản lý theo một tổng thể hài hoà về màu sắc và hình thức kiến trúc, đảm bảo mỹ quan cho KCN, đồng thời tuân thủ chiều cao, mật độ, khoảng lùi theo đúng quy hoạch.
  • Khu xử lý kỹ thuật bố trí ở phía Nam và Tây KCN, giáp hồ điều hoà, thuận tiện cho việc xử lý kỹ thuật và thoát nước toàn khu công nghiệp.
  • Các khu cây xanh cách ly và mương thoát nước được bố trí xung quanh bên trong tường rào bảo vệ KCN; tạo nên vành đai xanh cách ly khu công nghiệp, hạn chế ô nhiễm môi trường cho toàn khu vực.
  • Định hướng đào hệ thống mương thoát nước nội bộ thay cho dải phân cách của tuyến trục đường giao thông chính hướng Bắc – Nam và Đông – Tây, vừa có chức năng thoát nước mưa vừa tạo cảnh quan cây xanh mặt nước thân thiện với môi trường.

Các phân khu chức năng như khu điều hành, khu đất chia lô cho thuê, khu cây xanh cách ly, khu xử lý kỹ thuật như trình bày trên bản vẽ, phù hợp với không gian kiến trúc và nguyên lý quy hoạch khu công nghiệp, đảm bảo tính khả thi của dự án.

Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

Giao thông:

  • Giao thông đối ngoại: ảnh hưởng trực tiếp tới khu công nghiệp Lý Thường Kiệt  là Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường bộ nối 2 đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Cầu Giẽ – Ninh Bình và đường dẫn lên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, được khống chế chỉ giới xây dựng, đảm bảo cự li từ tim đến mốc lộ giới theo quy hoạch giao thông được duyệt.
  • Hệ thống giao thông đối nội được thiết kế theo dạng ô cờ đáp ứng sự tiếp cận thuận tiện cho tất cả các phương tiện, đảm bảo nhu cầu giao thông vận tải cho toàn khu công nghiệp. Một số mặt cắt đường điển hình như sau:
Sơ đồ mặt bằng giao thông

+ Đường trục chính hướng Bắc Nam từ đường dẫn lên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và đường trục chính hướng Đông Tây có mặt cắt ngang rộng 53,0m bao gồm: lòng đường rộng 10,5mx2; vỉa hè rộng 5,0mx2; mương thoát nước giữa rộng 16,0m dải cây xanh cảnh quan hai bên mương thoát nước rộng 3,0mx2(ký hiệu tại bản vẽ là mặt cắt 1-1).

+ Tuyến đường gom phía Tây KCN có mặt cắt ngang rộng 20,5m bao gồm: lòng đường rộng 10,5m; vỉa hè rộng 5,0mx2 (ký hiệu tại bản vẽ là mặt cắt 3-3).


+ Tuyến đường nằm song song với trục đường chính hướng Đông – Tây phía Nam dự án có mặt cắt ngang rộng 29,0m bao gồm: lòng đường rộng 10,5mx2; vỉa hè rộng 5,0mx2 (ký hiệu tại bản vẽ là mặt cắt 2-2).

Các mặt cắt đường trục khác và trục cảnh quan cây xanh – mặt nước thống nhất như ở Bản đồ quy hoạch mặt bằng giao thông (QH-04).

San nền tiêu thuỷ:

Phương án san nền được xử lý cục bộ cho từng lô đất chính, hướng dốc ra phía đường giao thông trong KCN. Cao độ san nền từ 3,50m đến 3,80m.


Độ dốc san nền đồng đều ở tất cả các lô đất là 0,1%, hướng dốc nền được thiết kế theo 2 lưu vực thoát nước chính: ra hồ điều hoà nằm ở giữa KCN và kênh điều hoà nuớc mưa ở phía Nam KCN.

Các chỉ tiêu khác thống nhất như tại Bản đồ quy hoạch san nền (QH-05A).

Hệ thống thoát nước mưa cho KCN thiết kế riêng hoàn toàn với hệ thống thoát nước thải. Nước mưa được thu gom vào hệ thống cống theo các trục đường chính, sau đó xả vào hệ thống mương chạy dọc theo các tuyến đường giao thông, dẫn về hồ điều hòa và xả ra mương thoát nước quanh KCN.

Chiều dài, độ dốc và hướng thoát nước của KCN được thể hiện chi tiết ở Bản đồ quy hoạch thoát nước mưa (QH-06).

Cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt:

Nguồn nước cấp cho KCN Lý Thường Kiệt được lấy từ nhà máy nước Ngọc Tuấn theo thỏa thuận tại công văn số 50/CV-NSNT ngày 06/7/2019 của Công ty TNHH nước sạch Ngọc Tuấn – Nagaoca.

Nhu cầu sử dụng nước tính toán cho toàn khu công nghiệp là 5.500 m3/ngđ. Hệ thống cấp nước thiết kế mạng vòng. Các trụ cứu hỏa được đặt dọc theo các trục đường giao thông với bán kính phục vụ <150m.

Mạng lưới cấp nước được tính toán thể hiện trên Bản đồ quy hoạch cấp nước (QH-08).

Bản đồ quy hoạch tổng hợp đường dây, đường ống

Cấp điện động lực và thông tin liên lạc:

Nguồn điện cấp cho KCN dự kiến đấu nối từ đường dây Kim Động Bãi Sậy phía Nam dự án.

Tổng công suất điện tính toán cho KCN khoảng 81,94MVA. Quy hoạch 01 trạm biến áp trung gian 110/22kV gồm 03 máy biến áp 63MVA, trong đó 2 máy cấp điện cho KCN, 01 máy dự phòng. Lưới điện dùng mạng 22KV từ trạm biến áp trung gian phân phối tới các phụ tải.

Mạng lưới cấp điện được thể hiện trên Bản đồ quy hoạch cấp điện (QH-09).

Nhu cầu và dịch vụ thông tin liên lạc do đơn vị chuyên ngành viễn thông cung cấp. Dự kiến lắp đặt 01 tổng đài chuyển mạch đa dịch vụ dung lượng 1.000 lines đặt tại trung tâm điều hành, và khu hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phục vụ tốt cho toàn KCN.

Thoát nước thải – vệ sinh môi trường:

Hệ thống thoát nước cho khu công nghiệp được thiết kế là hệ thống thoát nước riêng hoàn toàn. Nước thải từ các nhà máy xí nghiệp được xử lý sơ bộ sau đó được tập trung vào hệ thống thoát nước thải đưa về trạm xử lý nước thải phía Tây dự án. Nước sau xử lý đạt cấp tiêu chuẩn VSMT, qua hồ điều hòa, được xả ra hệ thống mương thoát nước.

Tổng lượng nước thải KCN là 4.800m3/ngđ. Xây dựng trạm xử lý nước thải ở khu hạ tầng kỹ thuật với công suất dự kiến khoảng 4.800 m3/ngđ.

Hệ thống, chiều dài và đường kính ống thoát nước được thể hiện như ở Bản đồ quy hoạch thoát nước thải (QH-07).

Tổng lượng chất thải rắn phát sinh hàng ngày khoảng 54 tấn/ngày. Toàn bộ chất thải rắn sẽ được thu gom ngay tại nguồn phát sinh và được vận chuyển về Khu xử lý chất thải rắn tập trung của khu vực.


Rate this post
Bài trướcQuy hoạch phân khu 1/2.000 Khu bến cảng Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình
Bài tiếp theoDanh sách Khu, Cụm công nghiệp tại Thái Bình đang hoạt động và thành lập mới

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây