Bên cạnh những lợi thế khi xây cảng Liên Chiểu mang lại, Đà Nẵng cần nhìn nhận các thách thức để giải quyết vấn đề, tránh lặp lại tình trạng đã xảy ra đối với cảng Tiên Sa.
Theo TS. Võ Duy Nghi, chuyên gia ngành logistics tại Đà Nẵng, ngày 25/3/2021, Chính phủ có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư bến cảng Liên Chiểu và giao cho UBND TP. Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
Qua đó, việc xây dựng cảng Liên chiểu là tin vui cho Đà Nẵng, bởi chủ trương đầu tư này sẽ giúp thành phố giảm bớt phụ thuộc vào hai lĩnh vực du lịch và bất động sản. Đây là hai nguồn thu chính của thành phố trong thời gian qua nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và sắp hết dư địa.
“Nhiều người cho rằng sau khi Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư bến cảng Liên Chiểu mọi việc sẽ vô cùng thuận lợi, cảng Liên Chiểu sẽ sớm đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ rằng quyết định của Chính phủ chỉ mới phê duyệt quy hoạch và chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm chi phí xây dựng đê chắn sóng, kè biển, chi phí nạo vét luồng lạch. Đây được hiểu là động thái “lót ổ” để mời gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng cảng biển”, TS. Võ Duy Nghi chỉ bất cập.
TS. Võ Duy Nghi cho biết, từ khi có quyết định đầu tư đến khi UBND thành phố Đà Nẵng chọn được nhà đầu tư, chuẩn bị được nguồn vốn đầu tư là khoảng thời gian khá dài nếu vẫn duy trì cách làm như hiện nay. Tiếp theo đó, sau khi xây dựng xong hạ tầng thì mới đến giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư tham gia xây dựng bến cảng. Việc này cũng sẽ tốn không ít thời gian.
Vị chuyên gia cũng chỉ ra một vấn đề nữa mà thành phố cần lưu ý là giải quyết hài hoà lợi ích và giảm thiểu tác động tiêu cực của việc xây dựng cảng Liên Chiểu đối với các khu du lịch đã được quy hoạch ở khu vực Tây Bắc như Xuân Thiều, Nam Ô, Làng Vân… do ô nhiễm tiếng ồn, không khí, chất thải gây ra bởi hoạt động vận tải, bốc xếp.
Do đó, nếu chính quyền không giải quyết triệt để vấn đề này thì lợi sẽ bất cập hại. Đồng thời trong vòng 10-15 năm tới, cảng Liên Chiểu cũng sẽ trở thành một cảng Tiên Sa thứ hai với vấn nạn tắc đường, kẹt xe, tai nạn giao thông như hiện nay.
Theo quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, cảng Liên Chiểu kết nối với Quốc lộ 1 nhưng rất tiếc lại không được quy hoạch để kết nối với tuyến đường sắt Bắc Nam cũng như tuyến đường sắt nội đô nối cảng với các khu công nghiệp. Do đó không phát huy tối đa cho hoạt động vận chuyển của hàng hóa.
Theo ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, nhiều nhà tư vấn quy hoạch vĩ mô và các chuyên gia logistics cũng nhận định, xây dựng Cảng Liên Chiểu sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Theo đó, thách thức đầu tiên khi xây dựng cảng Liên Chiểu là khả năng tác động môi trường tự nhiên khi xây dựng các đê chắn sóng lớn làm chuyển dịch dòng chảy tự nhiên. Tiếp theo đó, cảng sẽ xuất hiện sự xung đột trong khai thác cảng biển giữa các cảng lân cận quá gần nhau với cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) cũng như tốc độ di dân vùng dân cư bắc Hòa Khánh.
Khi quy hoạch cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng cần phải có những tính toán để giải quyết các thách thức trên. Sự nỗ lực và nhất trí của các cấp lãnh đạo thành phố, cũng như đồng lòng của người dân trong việc xây dựng cảng Liên Chiểu thật sự. Đây là động lực chính làm thay đổi, phát triển TP. Đà Nẵng theo hướng phát triển bền vững.
Cùng với đó, cảng Tiên Sa dần trở thành cảng du lịch bề thế nhất miền Trung, với môi trường du lịch sinh thái sẽ hấp dẫn, dành cho du khách gần xa và bạn bè quốc tế. Cảng Liên Chiểu không chỉ gánh trọng trách là vùng đệm thu hút hàng hóa trong nước, mà còn trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa quốc gia.
Chính vì vậy, cảng Liên Chiểu sẽ không tránh được việc cạnh tranh giữa cảng biển của các tỉnh lân cận như cảng Chu Lai (Quảng Nam), cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế). Qua đó, Đà Nẵng cần nâng cao chất lượng dịch vụ, giá cả vì lợi ích của khách hàng.
Xây dựng thành công cảng Liên Chiểu sẽ là động lực lớn cho các ngành kinh tế Đà Nẵng, giải quyết được bài toán cấm giờ đối với các phương tiện vận tải. Tuy nhiên, về sau, quận Liên Chiểu sẽ gặp phải tình trạng di dân. Từ đó, thành phố phải giải quyết bài toán quy hoạch dân số, để tránh tình trạng tiêu cực như cảng Tiên Sa đã tường gặp phải.
Ngoài các ý kiến trên, ông Hiệp cho rằng quy hoạch chi tiết cảng Liên Chiểu với các trung tâm logistics lân cận chưa được rõ ràng và chi tiết. TP. Đà Nẵng cần có nhiều kênh thông tin công khai quy hoạch chi tiết, nhằm giúp nhà đầu tư có cơ hội nắm bắt thông tin, cũng như xem xét các chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp có dự định thuê đất phát triển dịch vụ logistics. Bởi hiện nay, chi phí thuê mặt bằng tại TP. Đà Nẵng khá cao so với các tỉnh lân cận.