Trang chủ QH giao thông Dự án tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đề xuất xây...

Dự án tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đề xuất xây dựng trước 2030 kinh phí khoảng 7 tỷ USD.

172
0

Tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ có điểm đầu là ga An Bình (Bình Dương), điểm cuối là ga Cái Răng. Chiều dài toàn tuyến khoảng 174 km với 13 nhà ga, đi qua 6 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và Cần Thơ.

Tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ là đường đôi, sử dụng khổ đường sắt tiêu chuẩn 1.435mm, tốc độ thiết kế khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng. Với vận tốc trên, thời gian đi từ Cần Thơ lên TP.HCM sẽ được rút ngắn chỉ còn 75 – 80 phút thay vì đi đường bộ mất từ 3 – 4 giờ như hiện nay.


Mới đây, Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương hoàn thành nghiên cứu tiền khả thi dự đường sắt TP.HCM – Cần Thơ trong quý 4/2022.

Hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi đường sắt TP.HCM – Cần Thơ trong quý IV/2022

Để tiếp tục hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) dự án, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA đường sắt và Liên danh tư vấn TEDIS-TEDI-TRICC lưu ý hướng tuyến, vị trí các ga. Cần cập nhật các quy hoạch tỉnh đang triển khai để xác định tính khả thi, khai thác nguồn lực đầu tư.

Bộ GTVT yêu cầu trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, làm rõ thứ tự ưu tiên, phương án phân kỳ đầu tư của các hạng mục công trình nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải. Ảnh: minh họa
Bộ GTVT yêu cầu trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, làm rõ thứ tự ưu tiên, phương án phân kỳ đầu tư của các hạng mục công trình nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải. Ảnh: minh họa

Cùng đó tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan của địa phương cập nhật quy hoạch, phương án hướng tuyến, vị trí, công năng, phương án tổ chức kết nối các ga hành khách, hàng hóa; Các điểm khống chế; Các kết nối với các đầu mối vận tải nhằm khai thác tối đa lợi thế vận tải khối lượng lớn của lĩnh vực đường sắt. Sau đó lấy ý kiến thống nhất của UBND các tỉnh, thành phố; Đồng thời cần xác định tính khả thi của việc thu hồi đất dành cho ga và khu vực quanh ga.


Đối với hướng tuyến đoạn qua địa bàn thành phố Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương, cần đề nghị địa phương triển khai cập nhật việc điều chỉnh hướng tuyến vào quy hoạch có liên quan của địa phương, thực hiện các thủ tục công bố điều chỉnh quy hoạch và chịu trách nhiệm về việc các nội dung điều chỉnh.

Bộ GTVT cũng yêu cầu nghiên cứu làm rõ các đoạn tuyến đường sắt đi trên cao, đi dưới thấp để thỏa thuận với địa phương, làm cơ sở quản lý quỹ đất, phát triển đô thị khu vực.

Về giải pháp kỹ thuật, Bộ GTVT yêu cầu phải nghiên cứu, so sánh lựa chọn vị trí, sơ bộ các giải pháp đối với kết cấu của các cầu vượt sông lớn nhằm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, giảm thiểu chi phí và thúc đẩy tiến độ dự án; Phân tích so sánh các phương án đi chung và tách riêng cầu đường bộ, cầu đường sắt trong khu vực.


Việc đề xuất lựa chọn giải pháp kỹ thuật của các chuyên ngành điện, điều khiển, tự động hóa,… cần lưu ý khả năng cung ứng, sản xuất, duy tu bảo dưỡng ở trong nước đảm bảo khả thi.

Trong giai đoạn NCTKT, Bộ GTVT cũng yêu cầu Ban QLDA đường sắt, tư vấn nghiên cứu, làm rõ thứ tự ưu tiên, phương án phân kỳ đầu tư của các hạng mục công trình nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo hiệu quả, tính khả thi của dự án.

Cùng đó làm rõ cơ cấu chi phí các hạng mục trong tổng mức đầu tư dự án, phương án huy động vốn, gồm ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn vốn ngoài ngân sách.


“Về tiến độ, yêu cầu tư vấn tập trung nguồn lực, khẩn trương hoàn thành Báo cáo NCTKT dự án, lấy ý kiến của các địa phương và các đơn vị có liên quan trong quý III/2022, hoàn thiện Báo cáo NCTKT trong quý IV/2022 để triển khai các thủ tục tiếp theo, phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư trước năm 2025 và triển khai đầu tư trước năm 2030”, Bộ GTVT chỉ đạo.

Cập nhật tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ vào quy hoạch tỉnh để tăng tính khả thi dự án

Tin từ Bộ GTVT, tại cuộc làm việc giữa Bộ GTVT với UBND TP.HCM, UBND các tỉnh, thành phố Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ mới đây, các cơ quan đã thống nhất cần thiết nghiên cứu chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ để huy động nguồn lực đầu tư.

Bộ GTVT đề nghị các tỉnh có tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ đi qua cập nhật vào quy hoạch tỉnh cùng quy hoạch đường sắt, GTVT liên quan nhằm đảm bảo tính khả thi cho dự án. Ảnh: minh họa
Bộ GTVT đề nghị các tỉnh có tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đi qua cập nhật vào quy hoạch tỉnh cùng quy hoạch đường sắt, GTVT liên quan nhằm đảm bảo tính khả thi cho dự án. Ảnh: minh họa

Theo Bộ GTVT, do vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đã được hoạch định trong Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của BCH Trung ương Đảng khóa XI và quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt với tiến trình đầu tư trước năm 2030. Từ năm 2013, Bộ GTVT đã phối hợp với các địa phương nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết tuyến đường sắt này.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, quy hoạch tỉnh, trong đó có lĩnh vực GTVT là quan trọng để xác định quy mô các đô thị, khu công nghiệp… phụ thuộc vào điều kiện từng địa phương, do các địa phương thực hiện.

Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị các UBND các tỉnh chủ động cập nhật các quy hoạch ngành GTVT (trong đó có quy hoạch mạng lưới đường sắt) vào quy hoạch tỉnh, đảm bảo đồng bộ, nhằm phát triển giao thông là một trong các động lực đột phá phát triển kinh tế – xã hội khu vực. Cùng đó phối hợp với Bộ GTVT trong quá trình lập các quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành trong thời gian sắp tới.

Đối với tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, tại các khu vực dự kiến đặt ga, trong quy hoạch tỉnh đề nghị ưu tiên quy hoạch không gian phát triển các khu chức năng, các đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, cảng cạn,… để khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo nguồn lực, tạo nguồn hàng, tăng tính khả thi cho dự án.

“Đề nghị các tỉnh quy hoạch các nhánh đường sắt kết nối các cảng, trung tâm logistics trên địa bàn nhằm tăng cường kết nối các phương thức vận tải. Đây là các vị trí cần có nghiên cứu, tính toán, quy hoạch từ định hướng phát triển, tổ chức giao thông.”, Bộ GTVT đề nghị.

Theo báo giao thông


4.9/5 - (7 bình chọn)
Bài trướcĐồng Nai quy hoạch Cụm công nghiệp Quang Trung tại huyện Thống Nhất 79,87 ha
Bài tiếp theoAn Giang cuộc cách mạng về hạ tầng giao thông đến năm 2025

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây