Trang chủ Quy hoạch Định hướng quy hoạch phát triển vùng Đô thị Văn Giang, tỉnh...

Định hướng quy hoạch phát triển vùng Đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên

421
0

Quy hoạch Đô thị Văn Giang xác định mục tiêu xây dựng huyện Văn Giang trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh Hưng Yên theo hướng Dịch vụ – Thương mại.

Theo dự thảo quy hoạch tỉnh Hưng Yên đến 2037, tầm nhìn đến 2050. Đô thị Văn Giang được định hướng phát triển với mục tiêu như sau:


  • Tập trung thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, ưu tiên các dự án đô thị quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, thân thiện với môi trường; Hoàn thành quy hoạch đô thị Văn Giang, đạt tiêu chuẩn đô thị loại III vào năm 2025, đô thị loại II vào năm 2040.
  • Tiếp tục phát triển huyện Văn Giang theo định hướng trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh Hưng Yên theo hướng Dịch vụ – Thương mại, có hệ thống hạ tầng dịch vụ hiện đại và đồng bộ gắn với vùng thủ đô Hà Nội; là trung tâm văn hóa, cảnh quan, du lịch, thương mại – dịch vụ, đầu mối giao thương quan trọng của tỉnh Hưng Yên; có vị trí chiến lược trong việc gắn kết kinh tế giữa tỉnh Hưng Yên với vùng thủ đô Hà Nội và vùng Đồng bằng sông Hồng.
  • Tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, tập trung xây dựng đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bản đồ định hướng phát triển vùng đô thị tỉnh Hưng Yên
Bản đồ định hướng phát triển vùng đô thị tỉnh Hưng Yên

Theo đó, đô thị Văn Giang được định hướng với 3 trong tâm phát triển gồm:

  • Định hướng trọng tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Định hướng và khuyến khích chuyển một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từ hình thức gia công sang sản xuất thành phẩm, xuất khẩu trực tiếp, nhằm gia tăng giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tăng cường phối hợp và đẩy mạnh thực hiện công tác khuyến công trên địa bàn.
  • Định hướng trọng tâm phát triển ngành dịch vụ-thương mại: Hỗ trợ phát triển các cơ sở cung cấp dịch vụ, thương mại tại chỗ phát triển mở rộng, đa dạng hóa loại hình dịch vụ có thể cung cấp; thu hút đầu tư các đơn vị cung cấp dịch vụ chất lượng cao từ Hà Nội và các nơi về huyện. Thu hút đầu tư phát triển đầy đủ các loại hình dịch vụ – thương mại thiết yếu tại mỗi phân khu của huyện, tại
    mỗi khu đô thị.
  • Định hướng trọng tâm trong phát triển nông nghiệp: Tập trung phát triển mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, có thế mạnh của địa phương: hoa, cây cảnh, cây ăn quả, đa dạng hóa trong phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững, tăng mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm gắn với khai thác giá trị gi tăng của các sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn. Đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng cường hợp tác liên doanh, liên kết.

Định hướng phát triển đô thị huyện Văn Giang

Đô thị Văn Giang là đô thị trung tâm vùng phía Bắc, là đô thị dịch vụ và nhà ở hiện đại, đồng bộ theo hướng sinh thái, thông minh, là khu vực có chất lượng đô thị hóa tốt, thúc đẩy quá trình đô thị hóa khu vực phía Bắc của Tỉnh. Là khu vực đô thị hóa cao, phát triển thị trường nhà ở hiện đại, cao cấp, thúc đẩy thị traờng bất động sản gắn với thành phố Hà Nội và vùng thủ đô Hà Nội. Cụ thể:

  • Đến năm 2025, đô thị Văn Giang (bao gồm toàn bộ huyện) cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III, thành lập thị xã Văn Giang trước năm 2030.
  • Đến năm 2030, đô thị Văn Giang cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại II.
  • Tầm nhìn đến năm 2037 vùng đô thị hóa Văn Giang bao gồm huyện Văn Giang và phụ cận mở rộng về phía Nam (H. Khoái Châu) và Đông Nam (H. Yên Mỹ).
  • Tầm nhìn đến năm 2050, là các quận trung tâm của thành phố Hưng Yên trực thuộc trung ương. Xây dựng đô thị Văn Giang theo cấu trúc phân khu chức năng, gồm:
Bản đồ định hướng phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên
Bản đồ định hướng phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên

Phân khu các khu đô thị tập trung: Thuộc địa giới hành chính các xã Xuân Quan, Phụng Công, Cửu Cao, Long Hưng, Nghĩ Trụ, Liên Nghĩa và thị trấn Văn Giang (hiện nay).


  • Định hướng phát triển các chức năng: trung tâm chính trị – hành chính, khu đô thị mới, khu dân cư tập trung. Công trình hạ tầng xã hội chính: khu trung tâm hành chính, khu đô thị xây dựng hỗn hợp.
  • Định hướng số tầng cao tối đa: 45 tầng (tạo điểm nhấn).
  • Mật độ xây dựng gộp tối đa: đối với khu dân cư hiện trạng, CTCC: 50%, đối với khu dân cư mới: 60%. Phân khu đô thị – du lịch – nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí trên địa bàn các xã Mễ Sở, Thắng Lợi, Liên Nghĩ và thị trấn Văn Giang (hiện nay).
  • Định hướng phát triển các chức năng: du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, hình thành các khu đô thị mới mật độ thấp (nhà vườn, biệt thự).
  • Công trình hạ tầng xã hội chính: UBND xã, các khách sạn, resort, phòng khám, trường học, TTTM, sân thể thao, công viên vui chơi giải trí, chợ. Định hướng số tầng cao tối đa 7 tầng, mật độ xây dựng 15-50%.

Phân khu đô thị – thương mại – dịch vụ gắn với ga đường sắt nội vùng trên địa bàn các xã: Tân Tiến, Long Hưng (hiện nay).

  • Định hướng phát triển các chức năng: Ga đường sắt nội vùng kết hợp bến xe (hệ thống giao thông đô thị hiện đại), khu đô thị mới mật độ thấp (nhà vườn, biệt thự), du lịch, thương mại; công trình HTXH chính gồm Trụ sở UBND xã Long Hưng, TTTM, văn phòng, khách sạn, bệnh viện, trường học, sân thể thao, vườn hoa, chợ.
  • Định hướng số tầng cao tối đa 36 tầng (điểm nhấn đô thị); mật độ xây dựng 50-60%.

Phân khu đô thị – công nghiệp sạch & dịch vụ logistics: trên địa bàn các xã Tân Tiến, Long Hưng, Vĩnh Khúc (hiện nay).

  • Định hướng phát triển các chức năng: hoạt động sản xuất trong các CCN sạch Tân Tiến, KCN sạch, công nghệ cao, dịch vụ logistics, tiện ích hỗ trợ công nghiệp, đào tạo, dạy nghề, khu dân cư.
  • Công trình hạ tầng xã hội chính: Trụ sở UBND xã Tân Tiến; Trung tâm hội chợ, văn phòng giao dịch, cơ sở đào tạo, trường học, công trình dịch vụ, sân thể thao, vườn hoa , chợ.
  • Định hướng số tầng cao tối đa 21 tầng;
  • Mật độ xây dựng gộp tối đa: đối với CCN: 70%, đối với khu đào tạo: 40%, đối với khu dân cư hiện trạng, khu TMDV: 60%.
  • Đẩy mạnh triển khai các dự án đã được chấp thuận đầu tư như: Khu đô thị phí Đông; Khu đô thị sinh thái Dream City; Khu đô thị sinh thái Xuân Cầu; Khu đô thị Đại An.

Định hướng phát triển hạ tầng giao thông đô thị Văn Giang

Quy hoạch định hướng phát triển giao thông đô thị Văn Giang bao gồm, đường cao tốc, đường vành đai, đường tỉnh, đường sắt, đường thủy, cụ thể như sau:


Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (CT.04): Đoạn tuyến qua địa bàn huyện Văn Giang có điểm đầu Km6+200 thuộc địa phận xã Cửu Cao, quy mô 6 làn xe giai đoạn 2021-2030.

Đường Vành đai 4 – Hà Nội (CT.38): Tuyến có điểm đầu đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, huyện Sóc Sơn, Hà Nội đến điểm cuối cao tốc Nội Bài – Hạ Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đoạn qua địa bàn huyện Văn Giang tại xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang (giáp ranh Tp.Hà Nội), quy mô 6 làn xe. Giai đoạn 2021-2030.

Cao tốc Hưng Yên – Thái Bình (CT.16): Tuyến có điểm đầu giao đường Vành Đai 4 tại Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến Giao đường Cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh tại TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Hưng Yên được nâng cấp từ tuyến đường nối 2 cao tốc. Điểm đầu tuyến từ nút giao với Vành đai 4 (Hà Nội) thuộc xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, quy mô 4 làn xe. Giai đoạn sau năm 2030.


Đường tỉnh 377: Điểm đầu Km0+00 giao với ĐT.379B tại thị trấn Văn Giang. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp II ĐB, 4 làn xe, đoạn qua đô thị theo quy hoạch đô thị. Xây dựng đoạn tuyến tránh thị trấn Văn Giang chiều dài khoảng 18km, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp II ĐB, 4 làn xe.

Đường tỉnh 378: Điểm đầu Km76+894 thuộc địa phận xã Xuân Quan, huyện Văn Giang (giáp ranh Tp. Hà Nội), quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp IV ĐB, 2 làn xe.

Đường tỉnh 379: Điểm đầu Km0+00 tiếp giáp với tuyến đường Hà Nội nối vào đường Vành đai 3 Hà Nội, điểm cuối Km17+400 giao với QL.39 thuộc địa phận xã Dân Tiến huyện Khoái Châu, chiều dài tuyến khoảng 17,4km. Đoạn1: điểm đầu Km0+00 tiếp giáp với tuyến đường Hà Nội nối vào đường vành đai 3 Hà Nội thuộc địa phận xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp I ĐB, 6 làn xe.

Đường tỉnh 379B: Điểm đầu Km0+00 giao với ĐH.20 thuộc địa phận xã Cửu Cao, huyện Văn Giang giáp xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, điểm cuối thuộc địa phận xã Xuân Quan, huyện Văn Giang giáp xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, chiều dài tuyến khoảng 6,23km. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III ĐB, 2 làn xe, đoạn qua đô thị theo quy hoạch đô thị.

Bản đồ phương án phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Hưng Yên
Bản đồ phương án phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Hưng Yên

Xây mới 3 tuyến đường tỉnh có đoạn tuyến chạy qua địa bàn huyện Văn Giang gồm:

  • Đường tỉnh 381B: Tuyến được hình thành trên cơ sở đường Vành đai 3, 5 Hà Nội qua địa phận tỉnh Hưng Yên.
  • Đường tỉnh 381C: Tuyến được hình thành trên cơ sở kết nối ĐH.22 (4,5km) với ĐH.13 (4,5km). Điểm đầu giao với ĐT.385 tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tuyến đi qua Khu công nghiệp Phố Nối A thuộc xã Minh Hải, huyện Văn Lâm đến giao QL.5, tuyến đi trùng với ĐT.376 khoảng 1,5 km; tuyến đi tiếp qua xã Vĩnh Khúc, Tây Tiến, huyện Văn Giang. Quy hoạch kéo dài ĐH.23 đến ĐT.379 dài khoảng 2,5 km; đoạn từ ĐT.379 đến ĐT.378 dài đến 4,2 km và đoạn kéo dài từ ĐH.13 sang Bắc Ninh dài 1,6 km. Chiều dài tuyến khoảng 18,8
    km. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật cấp III ĐB, 2 làn xe.
  • Đường tỉnh 378B: Điểm đầu tại xã Xuân Quan, huyện Văn Giang, giáp ranh Hà Nội đến điểm cuối tại xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, chiều dài tuyến khoảng 60km.

Đường sắt: Tuân thủ quy hoạch các tuyến đường sắt quy hoạch trên địa bàn huyện, gồm:

  • Đường sắt quốc gia (vận tải hành khách kết hợp hàng hóa) đi song hành về phía Nam theo hành lang đường vành đai 4.
  • Đường sắt tốc độ cao (vận tải hành khách) đi song hành về phí Tây theo hành lang đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
  • Đường sắt nội vùng (vận tải hành khách) đi song hành về phía Tây theo hành lang đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
  • Đường sắt nội vùng tại xã Tân Tiến (hiện nay).

Đường thủy: Nâng cấp cảng Mễ Sở đến năm 2030 đạt công suất 500 ngàn tấn/năm. Các bến thủy nội địa: Liên Nghĩa, Thắng Lợi 3, Thắng Lợi 4, Bến Dương 1, Bến Dương 1, Bến Dương 2, Mễ Sở, Hưng Thịnh.

Xây dựng một số tuyến đường đô thị (nội thị) theo quy hoạch và chương trình phát triển đô thị, đáp ứng các tiêu chí đô thị loại II.

Tài liệu:


Rate this post
Bài trướcĐịnh hướng quy hoạch phát triển vùng đô thị Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên
Bài tiếp theoĐịnh hướng quy hoạch phát triển vùng Đô thị Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây