Tỉnh Bắc Giang định hướng phát triển công nghiệp – thương mại dịch vụ, trong thời gian từ nay đến năm 2030, tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển công nghiệp chế biến, trọng tâm là sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử, hàng may mặc và đa dạng các sản phẩm nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế. Dành quỹ đất để phát triển công nghiệp – thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh đến 2030.
Định hướng phát triển công nghiệp
Trong thời gian tới, Trục kinh tế của tỉnh được xác định theo các tuyến giao thông chính trên địa bàn, như: Cao tốc Hà Nội – Hạ Long, Quốc lộ 1A, QL17, QL31, đường vành đai V, ĐT279, ĐT293,… Đây là khu vực có có tính kết nối cao trong tỉnh và với các tỉnh trong khu vực và cả nước; là khu vực tập trung chủ yếu các khu, cụm công nghiệp hiện có của tỉnh. Đồng thời, là những khu vực có không gian phát triển trong tương lai.
Định hướng phát triển Thương mại dịch vụ
Tại các Trục kinh tế sẽ tập trung phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ, khu vực này sẽ hình thành vùng động lực kinh tế của tỉnh.
Trong lĩnh vực dịch vụ, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển dịch vụ du lịch, trọng tâm là du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, du lịch văn hóa, lịch sử gắn với các điểm di tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Dựa trên định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh đến 2020, định hướng sử dụng đất của tỉnh đến năm 2030 cụ thể như sau:
Định hướng sử dụng đất đối với khu phát triển công nghiệp
Dựa trên các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp hiện có, kết cấu hạ tầng về giao thông, hạ tầng điện và quỹ đất cùng với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, để rà soát, bổ sung các khu, cụm công nghiệp; từ đó xác định 03 khu vực (hành lang) phát triển sản xuất công nghiệp như sau:
1- Khu vực công nghiệp theo trục hành lang QL1A, cao tốc Hà Nội Lạng Sơn
Tiếp tục duy trì và bố trí phát triển mới các KCN, cụm công nghiệp gồm:
- 09 khu công nghiệp: Quang Châu, Quang Châu 2, Vân Trung, Đình Trám, Việt Hàn, Song Khê – Nội Hoàng, Tân Hưng, Nghĩa Hưng, An Hà.
- 10 cụm công nghiệp: Hoàng Mai, Nội Hoàng, Non Sáo, Vôi – Yên Mỹ, Tân Dĩnh – Phi Mô, Hương Sơn, Nghĩa Hòa, Hương Sơn, Hương Sơn 2, Bảo Sơn.
2- Khu vực công nghiệp theo trục hành lang ĐT398 (vành đai IV), ĐT296 – ĐT295 – QL37 – QL17 – ĐT299
Bố trí phát triển tại khu vực và mở rộng ra xung quanh các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp gồm:
- 14 khu công nghiệp: Hòa Phú, Châu Minh – Mai Đình, Châu Minh – Bắc Lý – Hương Lâm, Xuân Cẩm – Hương Lâm, Hòa Yên, Tiên Sơn – Ninh Sơn, Yên Lư, Đức Giang, Song Mai – Nghĩa Trung, Thượng Lan, Minh Đức – Thượng Lan – Ngọc Thiện, Đoan Bái – Lương Phong, Thanh Vần – Hoàng An, Tự Lạn – Bích Sơn – Trung Sơn.
- 12 cụm công nghiệp: Việt Nhật, Jutech, Đông Lỗ, Đông Lỗ Bắc Lý-Đông Lỗ, Tiên Sơn-Ninh Sơn, Tiên Sơn, Yên Lư, Nham Sơn-Yên Lư, Đông Lỗ – Đoan Bái, Danh Thắng – Đoan Bái, Việt Tiến, Minh Đức.
3- Khu vực công nghiệp phía Đông theo tuyến hành lang ĐT293- QL37, vành đai V
- 9 khu công nghiệp: Bắc Lũng, Cẩm Lý – Vũ Xá, Huyền Sơn, Thái Đào – Tân An, Mỹ Thái – Xuân Hương -Tân Dĩnh, Mỹ Thái, Quế Nham, Phúc Sơn, Ngọc Vân
- 4 cụm công nghiệp: Lan Sơn, Lan Sơn 2, Vũ Xá, Tiên Hưng.
Ngoài ra, bố trí các cụm công nghiệp tại các huyện để giải quyết việc làm tại chỗ, thúc đẩy chuyển dịch lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo phát triển hài hòa, cân đối giữa các khu vực, vùng miền trong tỉnh.
Quy hoạch đến năm 2030 có 25 KCN với diện tích là 6.763,40 ha (đến năm 2050 toàn tỉnh sẽ có 32 KCN với diện tích 8.403,40 ha) và 53 CCN với diện tích 2.261,00 ha (đến năm 2050 có 65 CCN với diện tích 2.790,00 ha), tổng diện tích các khu, cụm công nghiệp đến năm 2030 là 9.024,40 ha (đến năm 2050 là 11.193,40 ha).
Định hướng sử dụng đất cho thương mại – dịch vụ, du lịch
Với mục tiêu Phát triển ngành dịch vụ tạo ra đột phá trong giai đoạn 2021 – 2030. Tỉnh Bắc Giang Xác định các sản phẩm chủ lục của khu vực thương mại – dịch vụ là:
Thứ nhất: Tiếp tục triển khai thực hiện Trung tâm logistics quốc tế thành phố Bắc Giang với quy mô 71,86 ha. Quy hoạch thêm trung tâm logistics Đồng Sơn (Đê Hữu Thương TP Bắc Giang) diện tích 35,70 ha; cảng thủy nội địa Tiên Sơn, diện tích 60 ha.
Thứ hai: Phát triển du lịch với các tour, tuyến du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái kết hợp mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương. – Phát triển các tour, tuyến du lịch gắn với các di tích, danh thắng, trung tâm của tỉnh như khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, Chùa Vĩnh Nghiêm, khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế, sân golf Yên Dũng, Hồ Cấm Sơn, Khuôn Thần, khu du lịch sinh thái hồ Hố Cao…
Tập trung quy hoạch, thu hút đầu tư, xây dựng 3 khu du lịch có quy mô lớn như:
1- Khu du lịch Tây Yên Tử – theo dấu chân Phật Hoàng Trần Nhân Tông với chuỗi các di tích chùa Vĩnh Nghiêm, Bát Nhã, Hàm Long, Nam Biềng, Đám Trì, Hòn Tháp, Hòn Trứng, Mã Yên, Hồ Bấc, Khả Lã, suối Mỡ, Am Vãi, Tây Yên Tử.
2- Khu du lịch sinh thái, miệt vườn, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí Lục Ngạn với khu vực trung tâm hồ Khuôn Thần.
3- Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi, giải trí núi Nham Biền.
Phát triển dịch vụ thương mại, bán buôn, bán lẻ, trọng tâm là tại thành phố Bắc Giang, thị trấn Thắng, Chũ và các thị trấn khác; đồng thời, phát triển hệ thống chợ dân sinh tại khu vực nông thôn và hệ thống các chợ, siêu thị gắn với các khu, cụm công nghiệp.
Như vậy, để đạt được mục tiêu trên quỹ đất dành cho phát triển khu vực thương mại đến năm 2030 khoảng 5.218,68 ha.