Trang chủ QH giao thông Đề xuất xây dựng đường Đinh Văn – Đạ Đờn phù hợp...

Đề xuất xây dựng đường Đinh Văn – Đạ Đờn phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà

262
0
UBND huyện Lâm Hà vừa đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng đầu tư Dự án xây dựng đường Đinh Văn – Đạ Đờn theo quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà đến 2035.

Dự án xây dựng đường Đinh Văn – Đạ Đờn

UBND huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng vừa đề xuất UBND tỉnh này về việc đầu tư Dự án xây dựng đường Đinh Văn – Đạ Đờn. Theo đề xuất, đây là Dự án nhóm B, do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp quyết định chủ trương đầu tư. Dự án này có chiều dài hơn 3.885m, điểm đầu tuyến giao với Quốc lộ 27 tại Km158+120m, điểm cuối tuyến giao Quốc lộ 27 tại Km154+30m.

Tổng mức đầu tư Dự án dự kiến gần 400 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương hơn 260 tỷ đồng, ngân sách huyện Lâm Hà hơn 137 tỷ đồng). Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023 – 2025.


Dự án xây dựng đường Đinh Văn – Đạ Đờn có mục tiêu đầu tư là xây dựng cơ sở hạ tầng mở rộng khu dân cư về phía Bắc của thị trấn Đinh Văn, từng bước hoàn thiện hoàn thành quy hoạch mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện, giảm áp lực về mật độ lưu thông trên Quốc lộ 27 đoạn qua trung tâm thị trấn Đinh Văn; phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của nhân dân, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; nâng cao cơ sở vật chất vùng dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; giữ vững an ninh quốc phòng tại địa phương.

UBND huyện Lâm Hà cho rằng, đây là một trong những Dự án cần được đầu tư để góp phần bứt phá phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà đến 2035, tầm nhìn đến 2050.

Dự án được đưa vào danh mục công trình trọng điểm của huyện từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ V, nhiệm kỳ 2016 – 2020. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên đến nay chưa được triển khai thực hiện.


Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Định Văn – Đạ Đờn là rất cần thiết và phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lâm Hà lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, là công trình trọng điểm của huyện.

ảnh minh hoạ
ảnh minh hoạ

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà

Trước đó, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, UBND huyện Lâm Hà đã tổ chức Công bố Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới huyện Lâm Hà: 02 thị trấn (Đinh Văn, Nam Ban) và 14 xã (Tân Hà, Mê Linh, Gia Lâm, Đông Thanh, Nam Hà, Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, Tân Thanh, Đan Phượng, Liên Hà, Phúc Thọ, Hoài Đức). Tổng diện tích 930,23 km2


Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà được định hướng phát triển thành 03 tiểu vùng phát triển kinh tế, như sau:

Tiểu vùng I gồm thị trấn Đinh Văn và các xã Tân Văn, Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô; tổng diện tích khoảng 398 km2. Là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế – văn hóa, khoa học- kỹ thuật của huyện; vùng phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ, nông lâm nghiệp và công nghiệp. Trung tâm tiểu vùng là thị trấn Đinh Văn.

Tiểu vùng II (vùng phụ cận của thành phố Đà Lạt) gồm thị trấn Nam Ban và các xã Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh, Nam Hà; tổng diện tích tiểu vùng II khoảng 140 km2. Là vùng phát triển du lịch sinh thái cảnh quan và văn hóa bản địa; du lịch canh nông và nông nghiệp công nghệ cao; phát triển đô thị Nam Ban trở thành đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt. Trung tâm tiểu vùng là thị trấn Nam Ban.


Tiểu vùng III, gồm xã Tân Hà, Đan Phượng, Liên Hà, Hoài Đức, Tân Thanh, Phúc Thọ; tổng diện tích khoảng 392 km2. Là vùng phát triển nông – lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, chợ đầu mối nông sản và dịch vụ du lịch; phát triển xã Tân Hà tiệm cận tiêu chí đô thị loại V. Trung tâm tiểu vùng là xã Tân Hà.

Các vùng phát triển đô thị, dân cư nông thôn, phát triển công nghiệp:

Vùng phát triển đô thị: thị trấn Đinh Văn định hướng phát triển đô thị loại IV và thị trấn Nam Ban định hướng phát triển đô thị loại V;

Vùng dân cư nông thôn: phát triển các khu dân cư nông thôn trên cơ sở chỉnh trang các điểm dân cư hiện hữu và xây dựng thêm các điểm dân cư nông thôn gắn với vùng sản xuất, phù hợp phong tục tập quán, đặc điểm tự nhiên của các xã;

Phát triển vùng chuyên canh trồng cây nông nghiệp; vùng chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, ưu tiên xây dựng vùng chăn nuôi tại khu vực đất, khu vực xa khu dân cư, với các vật nuôi chính: bò thịt, heo gắn với các cơ sở giết mổ và chế biến;

Phát triển công nghiệp tại cụm công nghiệp Đinh Văn.

Các vùng cảnh quan và không gian mở: Phát triển du lịch, cảnh quan tại thác Voi, thác Bảy tầng, thác Liêng Sêr Nha, thác Sar Đeung; hồ Đông Thanh, dọc sông Đồng Nai và hồ thủy điện Đồng Nai 2 và 3. Các tuyến cảnh quan không gian mở dọc suối Cam Ly, Đạ Dâng, Đồng Nai, Đạ K’Nàng…

Quy hoạch hệ thống đô thị trên địa bàn huyện:

Đô thị Đinh Văn: được công nhận là đô thị loại IV vào năm 2025, tiếp tục phát triển các tiêu chí đô thị loại IV sau năm 2025. Quy mô đô thị: Về dân số, dự kiến đến năm 2025, khoảng 25.500 người; đến năm 2035, khoảng 37.800 người; đến năm 2050, khoảng 44.000 người. Về đất xây dựng đô thị đến năm 2025, đất xây dựng đô thị khoảng 382 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 204 ha); đến năm 2035, đất xây dựng đô thị khoảng 566 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 302 ha); đến năm 2050, đất xây dựng đô thị khoảng 662 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 353 ha). Thị trấn Đinh Văn đóng vai trò vừa là đô thị hạt nhân của vùng huyện, vừa là đô thị trong hệ thống đô thị vệ tinh của tiểu vùng II của tỉnh (theo quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng). Là đô thị có chức năng tổng hợp; trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật, trung tâm dịch vụ, thương mại của huyện, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của các xã tiểu vùng kinh tế trung tâm huyện Lâm Hà; có vị trí an ninh quốc phòng quan trọng của vùng. Định hướng không gian: phát triển mở rộng không gian đô thị, phát triển đô thị theo trục giao thông đường Quốc lộ 27, Tỉnh lộ ĐT.726, đường Trường Sơn Đông.

Đô thị Nam Ban: tiếp tục phát triển các tiêu chí đô thị loại V trong giai đoạn đến 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Quy mô đô thị: Về dân số, dự kiến đến: năm 2025, khoảng 12.100 người; đến năm 2035, khoảng 16.200 người; đến năm 2050, khoảng 29.200 người. Về đất xây dựng đô thị, dự kiến: đến năm 2025, đất xây dựng đô thị khoảng 225 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 117 ha); đến năm 2035, đất xây dựng đô thị khoảng 308 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 162 ha); đến năm 2050, đất xây dựng đô thị khoảng 554 ha (trong đó đất dân dụng khoảng 290ha). Đô thị loại V; đô thị chuyên ngành kinh tế phía Tây vùng phụ cận thành phố Đà Lạt, trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan và văn hóa bản địa. Định hướng không gian: phát triển mở rộng không gian đô thị, đô thị phát triển theo trục ĐT.725, trục cảnh quan suối Cam Ly; đô thị kết nối với vùng cảnh quan làng nghề, khu du lịch thác Voi về phía Nam và vùng du lịch nông nghiệp Tà Nung về phía Bắc.

Quy hoạch nông thôn và hệ thống các điểm dân cư nông thôn: Định hướng phát triển: Phát triển cụm 03 xã Tân Văn, Tân Hà, Hoài Đức tiệm cận tiêu chí đô thị loại V trước năm 2025. Phát triển hệ thống các điểm dân cư hiện trạng đồng bộ về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn với địa hình, cảnh quan nông thôn, bản sắc đặc trưng của từng vùng và điểm dân cư mới gắn với các vùng chuyên canh; có khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu.

Định hướng phát triển các vùng du lịch: Dự báo phát triển các sản phẩm du lịch chính: Du lịch sinh thái tại Khu du lịch Thác Voi, chùa Linh Ẩn, chùa Bửu Liên, Nhà thờ R‘Lơm, hồ Đông Thanh, dọc sông Đồng Nai và hồ thủy điện Đồng Nai 2 và 3; tuyến du lịch thể thao mạo hiểm Tà Nung-Nam Ban; Du lịch làng nghề dệt thổ cẩm tại xã Đạ Đờn, làng nghề dâu tằm tơ tại thị trấn Nam Ban và các nghề thủ công truyền thống tại xã Mê Linh; Tham quan, trải nghiệm mô hình nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa tại thị trấn Nam Ban; mô hình trồng trọt, sản xuất, thu hoạch, chế biến chè, cà phê; Du lịch canh nông, du lịch dưới tán rừng. Định hướng phân bố không gian các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp:

 Vùng sản xuất nông nghiệp:

Về trồng trọt: phát triển vùng chuyên canh chè tại các xã: Phúc Thọ, Mê Linh; vùng chuyên canh cà phê tại các xã: Phúc Thọ, Tân Thanh, Đạ Đờn, Phú Sơn, Liên Hà; vùng trồng rau hoa tại các xã: Nam Hà, Mê linh, Nam Ban, Đông Thanh; vùng trồng dâu tằm tại thị trấn Nam Ban, xã Tân Hà;

Về chăn nuôi: phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại với các loại vật nuôi chủ yếu như: heo, bò sữa, bò thịt, gia cầm,…

Về lâm nghiệp: tăng độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đến năm 2030 khoảng 27%, năm 2050 khoảng 37%; trong đó, tập trung bảo vệ và phát triển khoảng 10.367 ha đất rừng phòng hộ tại các xã: Tân Thanh, Phi Tô, Phú Sơn, Đông Thanh, Phúc Thọ, Mê Linh và thị trấn Nam Ban và rừng sản xuất trên địa bàn huyện.

Định hướng phát triển hạ tầng xã hội và dịch vụ:

Về định hướng phát triển giao thông: Đường cao tốc Liên Khương – Buôn Mê Thuột (đi theo hướng tuyến Quốc lộ 27, quy mô 4 làn xe); Quốc lộ 27 (đường cấp IV miền núi); đường Trường Sơn Đông (đường cấp IV đến cấp III miền núi); Hệ thống đường tỉnh trên địa bàn huyện tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, gồm: ĐT.724 (đoạn qua xã Tân Hà, Phúc Thọ), ĐT.725 (đoạn qua thị trấn Nam Ban, các xã: Gia Lâm, Tân Hà, Liên Hà, Tân Thanh), ĐT.726 (đoạn qua các xã: Phi Tô, Hoài Đức). Nâng cấp hệ thống đường huyện, đường liên xã theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.

Hệ thống giao thông đường vành đai: Đầu tư xây dựng mới tuyến đường tránh thị trấn Đinh Văn theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng; Đầu tư xây dựng đường vành đai ngoài Đinh Văn-Đạ Đờn tránh Quốc lộ 27; mở rộng đường vành đai Liên Hà-Tân Thanh; Liên Hà-Di Linh; Bến xe và điểm dừng chân: 03 bến xe loại III tại thị trấn Đinh Văn, bến xe loại IV tại xã Tân Hà và bến xe tại thị trấn Nam Ban; 01 trạm dừng chân trên Quốc lộ 27.

Quy hoạch giao thông vận tải: Duy trì các tuyến: Đà Lạt – Lâm Hà, Tân Hà – Lạc Dương, Đạ Tẻh – Lâm Hà hiện hữu; Phát triển mới các tuyến Đà Lạt – Tân Hà, Đức Trọng – Nam Ban, Đức Trọng – Tân Hà, Tân Hà – Đa R’sal (Đam Rông), Đạ Tẻh – Lâm Hà, Di Linh – Tân Hà, Đà Lạt – Nam Ban – Nam Hà – Phi Tô – Phú Sơn.

Các dự án ưu tiên đầu tư:

Giai đoạn đến năm 2025: đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội huyện gắn kết với hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, cấp tỉnh; đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị. Đinh Văn đạt chuẩn đô thị loại IV.

Giai đoạn đến năm 2035: tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tại cụm xã Tân Hà, Tân Văn, Hoài Đức và 02 đô thị phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của huyện và từng đô thị.

Giai đoạn đến năm 2050: tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội gắn kết đồng bộ hạ tầng kỹ thuật cấp tỉnh và cấp khu vực trên địa bàn huyện.

Quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hướng đến đạt các mục tiêu: Phát triển huyện Lâm Hà theo định hướng quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1848/QĐ-TTg ngày 27/12/2018, trong đó: một phần huyện Lâm Hà thuộc vùng kinh tế động lực của tỉnh (tiểu vùng I của tỉnh), một phần huyện thuộc vùng đệm sinh thái (tiểu vùng II của tỉnh). Phát triển huyện Lâm Hà đảm bảo tính toàn diện, hài hòa và bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng huyện đồng bộ tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội vùng; trong đó, tập trung phát triển thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa để phát triển du lịch sinh thái, du lịch hỗn hợp và thương mại, dịch vụ. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đô thị văn minh, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đời sống của nhân dân.


Rate this post
Bài trướcTrái chủ là gì? Trái chủ có những lợi ích và rủi ro những gì?
Bài tiếp theoLãi suất là gì? Vai trò và ý nghĩa Lãi vay và lãi tiền gửi tiết kiệm ngân hàng 04/2024

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây