Trang chủ Tin tức Đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh

Đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh

48
0

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 9/2020, các nước phương Tây đứng đầu là Đức, Pháp, Anh, Hà Lan… vào Việt Nam chỉ bằng chưa đầy 1/3 vốn của Trung Quốc và vùng lãnh thổ của nước này ở Việt Nam.

Tổng đầu tư của Trung Quốc và vùng lãnh thổ vào Việt Nam đạt 79 tỷ USD, trong khi khu vực Châu Âu chỉ hơn 19,6 tỷ USD.


Cụ thể, tổng lượng vốn của bốn nước châu Âu lớn kể trên đầu tư vào Việt Nam đến tháng 9/2020 đạt hơn 19,6 tỷ USD, trong khi đó vốn của Trung Quốc đại lục, đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc), vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam đã đạt trên 79 tỷ USD.

Suất đầu tư bình quân/dự án của các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng khá thấp, Pháp chỉ gần 6 triệu USD/dự án, Đức là hơn 2,1 triệu USD, Anh là 8,9 triệu USD, cao nhất là Hà Lan với 28 triệu USD/dự án.

Hoàn toàn trái ngược với Trung Quốc

Nhà đầu tư châu Âu vào Việt Nam bằng đầu tư vốn trực tiếp, hoặc đầu tư mới, rất ít đổ vào các hình thức đầu tư gián tiếp qua mua cổ phần, cổ phiếu doanh nghiệp.


Điều này trái ngược hoàn toàn với dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) hồi đầu tháng 5/2020 cho thấy, nhà đầu tư Trung Quốc  gia tăng rót vốn, mua cổ phần các doanh nghiệp Việt Nam (hay thường gọi là mua bán và sáp nhập – M&A).

Ảnh minh họa

So với cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp Trung Quốc có số lượt góp vốn, mua cổ phần của DN Việt Nam tăng hơn 154 lượt giao dịch (tăng hơn 38%).

Trong phần trả lời kiến nghị cử tri tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, Bộ Quốc phòng cũng cho biết, tính đến 30/11/2019, có 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc (92 doanh nghiệp 100% vốn Trung Quốc, 57 doanh nghiệp vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành biên giới, trong đó, khu vực biên giới đất liền 24 doanh nghiệp, khu vực biên giới biển 125 doanh nghiệp.


Tổng vốn đầu tư

Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp này là 30,872 tỷ USD, trong đó khu vực biên giới đất liền 1,637 tỷ USD, khu vực biên giới biển 29,235 tỷ USD.

Theo Bộ Quốc phòng, có 4.239 lao động người Trung Quốc đang làm việc tại các doanh nghiệp trên (khu vực biên giới đất liền 374 người, khu vực biên giới biển 3.865 người).

Thời hạn thuê đất của các doanh nghiệp từ 5 – 50 năm; lĩnh vực hoạt động chủ yếu là kinh doanh khách sạn, nhà hàng, du lịch, vui chơi giải trí, may mặc, nuôi trồng thủy sản, giầy da, sản xuất bao bì, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử…


Địa bàn tập trung nhiều ở các tỉnh, thành: Đà Nẵng 22, Quảng Ninh 17, Hải Phòng 16, Bình Định 9, Hà Tĩnh 5, Bình Thuận 5… Các doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc ở khu vực biên giới đều hình thành từ tháng 12/2018 trở về trước (năm 2019 không có doanh nghiệp mới nào); trước khi cấp phép, đầu tư đã được các cơ quan chức năng thẩm định, phê duyệt.

Ý kiến của các chuyên gia

GS.TS Phạm Phố nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn bày tỏ: “Chúng ta không phủ nhận những tác động tích cực từ nguồn vốn FDI, song những hệ lụy và tác động tiêu cực tới nay vẫn chưa thể giải quyết.

Ví dụ như tình trạng thua lỗ, không thể vận hành của nhà máy Gang thép Thái Nguyên, đội vốn, chậm tiến độ, nhiều vấn đề an toàn lao động ở dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông…

Có thể thấy, hiệu ứng lan tỏa kỹ thuật của nguồn vốn đầu tư Trung Quốc rất kém, chủ yếu sử dụng công nghệ lạc hậu, tỉ lệ giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ rất thấp, kéo theo đó là những mối lo về nợ công, vốn vay… Các dự án chủ yếu phục vụ mục tiêu phát triển chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, đầu tư để xuất khẩu lao động, xuất khẩu vốn, xuất khẩu công nghệ lạc hậu sang các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Những yếu tố cần lưu ý

Thời gian gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng, ở rộng đầu tư sang các lĩnh vực như bất động sản, thị trường tiêu dùng, bán lẻ.

GS Phạm Phố cho biết, trong lĩnh vực bất động sản, nguồn vốn Trung Quốc đổ vào chưa nhiều nhưng chủ yếu là những dự án được đầu tư 100% vốn nước ngoài, ở những vị trí chiến lược.

“Thời gian qua, dư luận bức xúc rất nhiều trước hiện tượng nhiều vị trí trọng điểm, nhiều khu vực ven biển đã bị rơi vào tay các nhà đầu tư Trung Quốc. Cụ thể như Vân Đồn (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Nẵng, Hải Phòng…

Hiện tượng trên phải được cảnh báo, nhất là những nguy cơ liên quan tới vấn đề an ninh quốc phòng”, vị GS lưu ý.

Riêng trong lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn đang cho thấy tư duy ăn xổi, ở thì, thấy lợi là làm.

“Cần lưu ý rằng, rất nhiều nước trên thế giới đã phải từ chối nguồn đầu tư từ Trung Quốc do lo ngại những hệ lụy kéo dài. Một số nước ở khu vực Châu Phi do không kịp phản ứng tới nay đang bị vướng vào bẫy nợ của nước này và Chính phủ phải gánh.

Còn với trường hợp của Sri Lanka cũng đã phải bán lại cảng cho Trung Quốc khai thác do không đủ nguồn vốn trả nợ. Tất cả những việc xảy ra đều là bài học Việt Nam cần lưu ý, thận trọng”, vị GS cảnh báo.

Vuongphat.com.vn

Nguồn: Báo Đất Việt


Rate this post
Bài trướcĐoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 được đầu tư 11.742 tỷ (thuộc đường vành đai 3 TP.HCM)
Bài tiếp theoKhu đô thị Phúc Hưng Golden Silk

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây