Đất phi nông nghiệp là gì? Những quy định về quản lý và sử dụng đất phi nông nghiệp?. Hãy cùng vuongphat.com.vn tìm hiểu về vấn đề này nhé!
Hiện nay Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, tiếp thu những thành tựu khoa học và công nghệ để trở thành đất nước xã hội chủ nghĩa, theo đó việc thay đổi cơ sở hạ tầng kéo theo là việc sử dụng đất phi nông nghiệp một cách hợp lí đang là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm.
Luật đất đai năm 2013 quy định về các nhóm đất bao gồm: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng dựa trên căn cứ về mục đích sử dụng đất. Trong đó, đất phi nông nghiệp là loại đất không được sử dụng vào mục đích làm nông nghiệp, bao gồm nhiều loại đất khác nhau.
Việc sử dụng đất phi nông nghiệp một cách hợp lí sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của nước nhà. Luật đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể, đất phi nông nghiệp cũng được phân ra nhiều loại đất khác nhau tùy vào mục đích sử dụng đất.
1. Đất phi nông nghiệp bao gồm những loại đất nào?
– Đất ở gồm đất tại nông thôn, đất ở tại đô thị:
- Đất ở tại nông thôn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cho phép hộ gia đình, cá nhân sử dụng một cách phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng điểm dân cư thông thôn. Trong đó bao gồm đất để xây dựng nhà ở, đất xây dựng công trình phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn.
- Đất ở tại đô thị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cấp phép quyền sử dụng. Loại đất này bao gồm đất để xây dựng nhà ở, đất xây dựng công trình nhằm phục vụ đời sống, vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc quy hoạch khu dân cư đô thị. Ngày nay các khu đô thị có xu hướng gia tăng một cách rõ rệt, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, việc quản lí, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng đô thị các khu đô thị lại càng cần được quy định một cách chặt chẽ, hợp lí và triệt để hơn;
– Đất xây dựng trụ sở cơ quan, xây dựng công trình sự nghiệp:
- Loại đất được dùng vào mục đích xây dựng các cơ quan nhà nước, căn cứ tổ chức chính trị hoặc các tổ chức chính trị xã hội thì được coi là đất xây dựng trụ sở cơ quan.
- Đất xây dựng công trình sự nghiệp, hiện nay nhu cầu sử dụng đất vào mục đích này đang ngày một tăng lên đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, loại đất này bao gồm đất xây dựng các công trình sự nghiệp thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, ngoại giao và các công trình sự nghiệp khác;
– Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh: Nhà nước quy định cụ thể việc thu hồi đất, trưng dụng đất vào mục đích quốc phòng an ninh tại Điều 61 Luật đất đai năm 2013; Việc nhà nước sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh nhằm đảm bảo phục vụ cho việc bảo vệ an ninh quốc gia, luôn sẵn sàng khi đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn hoặc có sự đe dọa vũ lực, vũ trang từ bên ngoài.
– Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp bao gồm: Đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm chế xuất; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm;
– Đất sử dụng vào mục đích công cộng: nhằm phục vụ cho nhu cầu toàn dân, trong đó bao gồm đất giao thông (cảng hàng không, sân bay, cảng đường thủy nội địa, cảng hàng hải, hệ thống đường sắt, hệ thống đường bộ và công trình giao thông khác); đất thủy lợi; đất có di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất công trình năng lượng; đất công trình bưu chính, viễn thông, đất chợ; đất bãi thải, xử lí chất thải và đất công trình công cộng khác;
– Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng:
+ Đất cơ sở tôn giáo, nhằm phục vụ cho nhu cầu trong tôn giáo ngày một trở lên rộng rãi trong nhân dân, loại đất này bao gồm đất thuộc chùa, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được nhà nước cho phép hoạt động.
+ Đất tín ngưỡng bao gồm đất có công trình đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; trong những năm trở lại đây, xu hướng xây dựng từ đường và nhà thờ họ của người dân ngày một gia tăng, vấn đề sử dụng đất vào mục đích này cũng cần quan tâm và quy hoạch một cách chặt chẽ.
– Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng: Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa phải quy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với duy hoạch thành khu tập trung, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, xa khu dân cư, thuận tiện cho việc chôn cất, thăm viếng, hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường và tiết kiệm đất;
– Đất sông ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng: Căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu nhóm đất này được quản lý và sử dụng theo quy định sau đây:
- Đối với đất có mặt nước chuyên dùng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhà nước giao cho tổ chức để quản lí sử dụng và khai thác.
- Nhà nước tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối thuê, sử dụng để phát triển kinh tế và thu tiền thuê đất mỗi năm.
- Hằng năm nhà nước cho thuê đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và thu tiền thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư nuôi trồng thủy sản. Việc này góp phần tạo thêm một nguồn thu lớn cho Việt Nam và thu hút vốn đầu tư từ các nước, thúc đẩy kinh tế phát triển cùng với sự giao lưu văn hóa giữa các nước.
– Cuối cùng là đất phi nông nghiệp khác gồm đất làm nhà nghỉ, lán, trại cho người lao động trong cơ sở sản xuất; đất xây dựng kho, nhà để chứa nông sản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, máy móc, công cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và đất xây dựng công trình khác của người sử dụng đất không nhằm mục đích kinh doanh mà công trình đó không gắn liền với đất ở.
Các quy định về từng loại đất được quy định cụ thể từ Điều 143 đến Điều 163 Luật đất đai năm 2013.
2. Những quy định của pháp luật liên quan đến loại các nhóm đất:
So với Luật đất đai 2003, việc quy định về đất phi nông nghiệp có nhiều sự thay đổi rõ ràng hơn, các quy định trong Luật đất đai 2013 đã mở rộng một số khái niệm về các loại đất phi nông nghiệp hơn so với luật cũ, mở rộng đối tượng để dễ quản lý hơn. Sau đây, công ty Luật Dương Gia xin đưa ra một số điểm mới về quản lý đất phi nông nghiệp trong luật hiện hành so với Luật đất đai 2003:
– Về quản lý đất ở tại đô thị: luật đất đai 2013 đã bỏ điều luật quy định cụ thể về trường hợp UBND cấp tỉnh được giao đất hoặc cho thuê đất từng được quy định trong Luật đất đai 2003 vì nội dung Chương giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã được quy định riêng.
– So với Luật đất đai 2003, Luật đất đai 2013 cũng đưa ra khái niệm rộng hơn về đất xây dựng chung cư bao gồm đất để xây dựng nhà chung cư, xây dựng các công trình phục vụ cho các hộ gia đình trong nhà chung cư và các công trình phục vụ cộng đồng, nhằm mục đích tránh bỏ sót những công trình cộng đồng mà trước đây chưa có chế định quản lý.
– Luật đất đai 2013 đã chuyển Điều 87 Luật đất đai về xác định đất ở đối với trường hộ có vườn, ao vào Chương đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất.
– Trong khoản 3 Điều 146 Luật đất đai 2013 cũng được quy định bổ sung thêm: “Khi thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng, chỉnh trang khu đô thị, khu dân cư nông thôn, Nhà nước chủ động thu hồi đất, bao gồm đất để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng và đất vùng phụ cận theo quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Để đảm bảo việc chỉnh trang đô thị được thực hiện đồng bộ, bảo đảm quyền lợi của những người có đất bị thu hồi.”
– Tại Điều 146 Luật đất đai 2013 quy định riêng biệt đất xây dựng trụ sở công an và đất xây dựng công trình sự nghiệp tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà không gộp chung như đã quy định trong Luật đất đai 2003, ngoài ra còn sửa đổi, bổ sung thêm từ ngữ tại khoản 4 và khoản 5.
– Về đất sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh tại Điều 148 Luật đất đai 2013: Bỏ khoản 1 Điều 89 Luật đất đai 2003 và chuyển lên Chương giao thuê để xác định rõ các trường hợp sử dụng đất vào mục đích quốc phòng an ninh.
3. Quy định về đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:
Tóm tắt câu hỏi:
Câu hỏi của khách hàng: Bố tôi là cán bộ tiền khởi nghĩa (hoạt động cách mạng trước 19/8/1945). Tháng 12/2003, bố tôi mua một lô đất thuộc khu quy hoạch (khu dân cư) của thành phố, đến đầu năm 2004 thì được cấp GCNQSDĐ và năm 2004 bố tôi đã qua đời. Kể từ khi được cấp GCNQSDĐ đến nay (tháng 4-2017) gia đình tôi chưa nộp thuế đất phi nông nghiệp là 14 năm. Hiện nay mảnh đất này cũng chưa làm nhà ở (bỏ không 14 năm) cũng không cho thuê. Trong 14 năm cơ quan thuế cũng chưa hề thông báo nộp thuế hàng năm cho gia đình tôi một lần nào. Tháng 3/2017 gia đình tôi đi làm thủ tục thừa kế thì cơ quan thuế yêu cầu mẹ tôi nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 14 năm và phải nộp tiền phạt do chậm nộp thuế đất của 14 năm này.
Như vậy có đúng quy định hay không? Về phía gia đình tôi hàng năm không hề nhận được thông báo nộp thuế của cơ quan thuế nên không nộp thuế là đúng hay sai quy định và cách giải quyết trong trường hợp này.
Trả lời:
Căn cứ Khoản 5 Điều 9 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 quy định các trường hợp được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Điều 10 Thông tư 153/2011/TT-BTC hướng dẫn như sau:
Đất ở trong hạn mức của người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945; thương binh hạng 1/4, 2/4; người hưởng chính sách như thương binh hạng 1/4, 2/4; bệnh binh hạng 1/3; anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; mẹ Việt Nam anh hùng; cha đẻ, mẹ đẻ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ khi còn nhỏ; vợ, chồng của liệt sỹ; con của liệt sỹ đang được hưởng trợ cấp hàng tháng; người hoạt động cách mạng bị nhiễm chất độc da cam; người bị nhiễm chất độc da cam mà hoàn cảnh gia đình khó khăn.
Như vậy, trường hợp bố bạn là người hoạt động cách mạng trước ngày 19/8/1945 thì sẽ được miễn tiền thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với diện tích đất trong hạn mức, đối với diện tích đất vượt hạn mức thì sẽ phải tiến hàng nộp thuế theo quy định của pháp luật. Do đó, bạn phải tham khảo quy định tại địa phương bạn, xác định diện tích trong hạn mức công nhận đất ở là bao nhiêu? Nếu diện tích gia đình bạn đang sử dụng có phần diện tích vượt hạn mức tại địa phương thì gia đình bạn phải đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Theo thông tin bạn cung cấp, cơ quan thuế không có thông báo nộp thuế trong 14 năm qua tới cho gia đình bạn, pháp luật quy định việc nộp thuế là nghĩa vụ của công dân. Do đó, gia đình bạn sử dụng đất phi nông nghiệp phải có nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp được miễn thuế) mà không phụ thuộc vào việc cơ quan thuế có thông báo về việc nộp thuế hay không.
Căn cứ Điều 4 Thông tư 166/2013/TT-BTC, tại thời điểm cơ quan thuế phát hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ thuế của gia đình bạn là đã quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, theo quy định trên thì gia đình bạn vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu trong thời hạn 10 năm trước, nghĩa là từ năm 2007 đến năm 2017. Trường hợp gia đình bạn không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu trong toàn bộ thời gian trở về trước kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, ngày phát hiện hành vi vi phạm là ngày lập biên bản vi phạm hành chính về thuế.
Căn cứ theo Điều 615 Bộ luật dân sự 2015 quy định thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại.
Như vậy, khi bố bạn mất, những người hưởng thừa kế của bố bạn trong phần di sản bố bạn để lại phải có trách nhiệm thực hiện việc nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với phần đất bố bạn mua từ năm 2003 theo quy định trên.