Trang chủ Đời sống Có bao nhiêu lần chia tách – sáp nhập các tỉnh tại...

Có bao nhiêu lần chia tách – sáp nhập các tỉnh tại Việt Nam từ 1975 đến nay.

171
0

Sau khi thống nhất đất nước (30/4/1975) đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thành lập, giải thể, chia tách, sáp nhập điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính địa phương.

Trụ sở Bộ Nội vụ.
Trụ sở Bộ Nội vụ.

Theo thông tin tổng hợp của Bộ Nội vụ về quản lý địa giới đơn vị hành chính các cấp được công bố cách đây vài năm, sau khi thống nhất đất nước (tháng 4/1975), Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh; trong đó, miền Bắc có 25 đơn vị và miền Nam có 47 đơn vị.


Đến tháng 12/1975, Quốc hội khóa V đã ra nghị quyết bãi bỏ cấp khu, giải thể khu tự trị, hợp nhất đơn vị hành chính, sáp nhập hàng loạt tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Đầu năm 1976, việc sáp nhập tiếp tục được thực hiện trên diện rộng trải dài từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Tính đến năm 1976, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Vào năm 1978, Quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện; tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Khi đó, cả nước có 39 tỉnh thành.


Năm 1979 thành lập Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, tương đương cấp tỉnh và cả nước tăng lên thành 40 đơn vị hành chính.

Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra làm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế; tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành Quảng Ngãi và Bình Định; tỉnh Phú Khánh được tách ra thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Lúc này, cả nước có 44 tỉnh thành; trong đó có 40 tỉnh, 3 thành phố và đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo.

Tới năm 1991, hàng loạt tỉnh nhập lại trước đây tiếp tục tách ra như tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình; tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình; tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh; tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở 3 huyện tách từ tỉnh Đồng Nai hợp nhất với đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo (giải thể đặc khu). Đến lúc này, cả nước có 53 tỉnh thành.


Năm 1997, cả nước tăng lên 61 tỉnh thành khi một số tỉnh tiếp tục chia tách. Cụ thể, tỉnh Bắc Thái tách thành tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên; tỉnh Hà Bắc tách thành tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh; tỉnh Nam Hà tách thành tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định; tỉnh Hải Hưng tách thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên.

Năm 2004, nước ta tách thêm 3 tỉnh nâng số đơn vị hành chính cấp tỉnh lên đến 64: Tỉnh Đắk Lắk tách thành tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Cần Thơ tách thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ; tỉnh Lai Châu tách ra thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên.

Đến giữa năm 2008, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) về thành phố Hà Nội.


Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam có 63 tỉnh, thành gồm 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, khó khăn về quỹ đất.
Bộ Nội vụ đề xuất sáp nhập một số tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, khó khăn về quỹ đất.

Việc chia tách – sáp nhập tỉnh sẽ được tiến hành từ năm 2026?

Những ngày qua, thông tin Bộ Nội vụ đề xuất sát nhập các tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, khó khăn về quỹ đất, thu hút sự chú ý, quan tâm rất lớn của dư luận.

Theo dự thảo về đơn vị hành chính cấp tỉnh do Bộ Nội vụ công bố, tỉnh miền núi, vùng cao điều kiện để không phải sáp nhập: Có quy mô dân số từ 900 nghìn người và diện tích tự nhiên từ 8.000 km2 trở lên. Đối với những tỉnh không phải miền núi: Có quy mô dân số từ 1,4 triệu người và diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên.

Dựa vào kết quả tổng điều tra dân số năm 2019 của Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố năm 2019 thì 10 tỉnh dân số ít nhất hiện nay (dân số chỉ dao động từ 314 – 733 nghìn người) gồm: Bắc Kạn, Lai Châu, Cao Bằng, Kon Tum, Ninh Thuận, Điện Biên, Đắk Nông, Quảng Trị, Lào Cai, Hậu Giang.

10 tỉnh, thành phố có diện tích tự nhiên nhỏ, không đạt chuẩn diện tích tự nhiên do Bộ Nội vụ đề xuất, có thể bị sáp nhập gồm: Tỉnh Bắc Ninh 822,7 km2; tỉnh Hà Nam 860,5 km2, tỉnh Hưng Yên 926 km2, tỉnh Vĩnh Phúc 1.238,6 km2, TP Đà Nẵng 1.285,4 km2, tỉnh Ninh Bình 1.378,1 km2, TP Cần Thơ 1.409 km2, tỉnh Vĩnh Long 1.475 km2, tỉnh Thái Bình 1.570,5 km2, tỉnh Nam Định 1.652 km2.

Bản đồ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Bản đồ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Trao đổi với báo chí, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, trong giai đoạn từ năm 2022-2025, Bộ Nội vụ sẽ chỉ cố gắng hoàn thiện khung thể chế để thực hiện sáp nhập các tỉnh, trình các cơ quan có thẩm quyền quyết định. Việc tổ chức sáp nhập các tỉnh sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Bộ Nội vụ khẳng định, các tỉnh làm điểm sẽ trình Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét từng trường hợp cụ thể.

Dự thảo về việc chia tách – sáp nhập các tỉnh được Bộ nội vụ công bố:

Dự thảo vừa được Bộ Nội vụ công bố để lấy ý kiến rộng rãi cho biết, tháng 9 tới  Bộ này sẽ xây dựng Đề án thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thực hiện làm điểm sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong các năm 2022-2026 và định hướng đến năm 2030 trình Chính phủ, Thủ tướng.

Trong quý IV/2021, Bộ Nội vụ sẽ trình Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương xem xét thông qua đề án này.

Sau khi đề án được Ban Chấp hành Trung ương thông qua, Chính phủ sẽ xây dựng Nghị quyết về việc thực hiện đề án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành.

Từ quý I/2022 tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã theo kế hoạch, lộ trình đề ra.

Theo Dân trí


Rate this post
Bài trướcPhê duyệt Dự án Khu du lịch thác Voi tại thị trấn Vân Du huyện Thạch Thành – Thanh Hóa
Bài tiếp theoQuyền lợi được bồi thường khi xây lại chung cư mới nhất

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây