Trang chủ Đời sống Cần nghiên cứu hỗ trợ người dân giảm chi phí tiền điện,...

Cần nghiên cứu hỗ trợ người dân giảm chi phí tiền điện, nước, thuế ngay lúc này

48
0

Chi phí tiền điện, nước tăng vọt cộng với giá thực phẩm lên chóng mặt khiến nhiều hộ gia đình gặp khó khăn, nhất là ở các địa phương đang giãn cách xã hội, người dân phải ở nhà để thực hiện phòng chống dịch bệnh.

Người dân phải ở nhà khi thực hiện giãn cách xã hội khiến tiền điện, nước đều tăng vọt
Người dân phải ở nhà khi thực hiện giãn cách xã hội khiến tiền điện, nước đều tăng vọt
Chi phí tiền điện, nước tăng vọt cộng với giá thực phẩm lên chóng mặt khiến nhiều hộ gia đình gặp khó khăn, nhất là ở các địa phương đang giãn cách xã hội, người dân phải ở nhà để thực hiện phòng chống dịch bệnh.

Thu nhập giảm, hóa đơn tăng

Ngay từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát từ đầu tháng 5 tại TP.HCM, gia đình chị Phan Thanh (Q.3) đã ở nhà nhiều hơn, đi kèm theo đó là chi phí tiền điện, nước cũng tăng đáng kể. Nếu trước thời điểm dịch bùng phát, trung bình nhà chị Thanh trả tiền điện từ 900.000 – 1,5 triệu đồng/tháng thì những tháng gần đây đã lên tới 2,3 triệu đồng, tăng 800.000 – 1,1 triệu đồng, tương ứng 50 – 100%; tiền nước cũng lên 110.000 đồng, tăng 40.000 đồng so với những tháng trước đó, tương ứng khoảng 35%. Chi phí tiền điện, nước tăng vọt diễn ra phổ biến ở nhiều gia đình khác trong bối cảnh phải ở nhà để phòng chống dịch hiện nay.
Hóa đơn điện, nước tăng mạnh trong bối cảnh thu nhập của hầu hết người dân đã giảm mạnh, nhiều hộ cả 2 lao động chính đều nghỉ không lương. Trao đổi với người viết, hai vợ chồng M.T (Q.Tân Phú) cho hay, kể từ cuối tháng 5 sau khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, người chồng làm cho một cơ sở tư nhân phải tạm nghỉ. Sau đó khi các chợ tạm ngừng hoạt động thì vợ cũng bị “thất nghiệp” vì chị bán hàng ở một góc chợ tạm trên địa bàn. “chi phí tiền điện, tiền nước mỗi thứ chỉ tăng vài chục ngàn là đã thấy lo lắm rồi vì lúc này tiền ăn còn không đủ. Nhưng thực phẩm rau, cá, trứng gì cũng tăng hoài, đăng ký xin hỗ trợ lên phường thì bảo chờ duyệt… Nếu được giảm tiền điện, nước và giá đồ ăn cũng giảm nữa thì đỡ”, chị M.T thở dài.
Thực tế, bên cạnh chi phí tiền điện, nước thì với nhiều bà nội trợ, đi chợ trong hơn 1 tháng qua đã trở thành nỗi ám ảnh vì giá thực phẩm tăng cao. Chị Trần Loan (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) so sánh nếu trước đây chi phí nấu ăn hằng ngày khoảng 500.000 đồng thì nay phải tăng lên 700.000 – 800.000 đồng mới có thể nấu được bữa ăn giống vậy. Giá cả cứ tăng đến chóng mặt, như sườn non heo tại cửa hàng Vissan giá 270.000 đồng/kg, trong khi tháng 6 mua khoảng 230.000 đồng/kg; ba rọi heo rút sườn 265.000 đồng/kg, trước đó mua khoảng 225.000 đồng/kg… Giá rau củ, trứng còn tăng mạnh hơn. Trứng vịt 50.000 đồng/10 quả, bó hành lá cùng 300 gr ngò là 70.000 đồng, rau muống 30.000 đồng/kg, cải bó xôi 60.000 đồng/kg … Đó là chưa kể việc hạn chế ra đường nên nhiều thực phẩm phải đặt mua online lại phải cộng thêm chi phí ship.

Cần gói cứu trợ khẩn cấp

Trong năm qua khi dịch Covid-19 diễn ra tại Việt Nam, ngành điện đã giảm chi phí tiền điện trong vòng 3 tháng cho doanh nghiệp (DN) và người dân, từ tháng 4 – 6.2020 và sau đó tiếp tục giảm trong 3 tháng cuối năm 2020. Thế nhưng từ tháng 5 đến nay, dịch bùng phát mạnh hơn khiến nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách dài hơn, các DN phải ngừng hoạt động nhiều hơn, người lao động nghỉ không lương dài ngày hơn… nhưng ngành điện chưa có động thái đề xuất giảm tiền điện cho các hộ gia đình.
Tập đoàn điện lực Việt Nam chỉ thực hiện giảm chi phí tiền điện từ tháng 6 – 12.2020 cho các cơ sở lưu trú du lịch, các trung tâm y tế. Nhưng số cơ sở lưu trú hầu như đã tạm đóng cửa vì không có khách nên có thể tiền điện không phát sinh, còn người dân phải ở nhà thì tiền điện càng gia tăng. Vì vậy, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vài ngày trước đã gửi công văn đến các công ty điện lực, cấp nước trên địa bàn tỉnh đề nghị xem xét miễn, giảm chi phí tiền điện, nước sinh hoạt cho các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, nhất là khi tỉnh áp dụng các biện pháp để giãn cách xã hội đã ảnh hưởng tới cuộc sống, thu nhập, sinh hoạt hằng ngày của người dân, đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn tới đối tượng là người lao động nghèo, những công nhân không thể đi làm việc…
Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đây là thời điểm Chính phủ cần phải hỗ trợ nhiều hơn nữa cho DN và cả người dân. Dù khó khăn nhưng Việt Nam vẫn có nguồn lực để thực hiện những việc đó, nhất là giảm giá các dịch vụ hàng hóa thiết yếu để người dân yên tâm ngồi nhà phòng chống dịch bệnh. Chia sẻ cụ thể hơn, ông Hồ Quốc Tuấn, giảng viên cao cấp chuyên ngành kế toán và tài chính tại Đại học Bristol (Anh), cho rằng vào thời điểm này cần thực hiện giảm tiền dịch vụ thiết yếu như điện nước để hỗ trợ người nghèo và nền kinh tế nói chung. Nhóm người nghèo nhất trong xã hội cũng là nhóm dễ tổn thương nhất hiện nay.
Vì vậy, cần một gói cứu trợ kinh tế khẩn cấp và thực tế, đó là chi tiêu Chính phủ. Ông Hồ Quốc Tuấn dẫn chứng nước Anh đã chọn chi thêm 16,3% GDP so với dự toán ngân sách để hỗ trợ kinh tế trong dịch bệnh. Đây là mức chi bất thường, không lên kế hoạch trước chưa từng có của chính phủ trong nhiều thập niên. Con số này thực sự là tấm đệm đỡ giúp hàng chục triệu người ở Anh vượt qua khó khăn.
Mỹ cũng thực hiện chi tiêu công mạnh tay để kéo kinh tế khỏi vũng lầy thất nghiệp, suy thoái kinh tế và bất ổn xã hội do dịch Covid-19. Một nước nợ như chúa chổm là Tây Ban Nha cũng đã chi 3% GDP để hỗ trợ kinh tế. Việt Nam đang ở trong ngưỡng an toàn nợ công, có thể chi nổi 3% GDP để hỗ trợ người dân và nền kinh tế. Dựa trên số liệu GDP của Bộ Tài chính công bố năm 2020 thì gói hỗ trợ trị giá khoảng 6,8 tỉ USD, tức hơn 150.000 tỉ đồng.
Theo ông Hồ Quốc Tuấn, dù ngân sách căng thẳng nhưng có thể điều chuyển vốn đầu tư phát triển các chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội phân bổ 160.000 tỉ đồng nhưng chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021.
Nếu cần thiết, Chính phủ có thể vay thêm nợ, bớt đi những lãng phí, di chuyển những khoản tiền định đầu tư vào một số dự án khổng lồ mà không giải ngân được sang cứu trợ kinh tế trước đã. Khi lãi suất đang thấp kỷ lục, đây là thời điểm hợp lý để vay thêm nợ đầu tư công. “Cần một gói cứu trợ kinh tế và không thể chậm trễ nữa. Hy sinh mục tiêu nợ công là cái giá thấp nhất. Nếu chi tiêu công mà tiền đến trực tiếp tay người dân như ở một số nước thì không có gì phải sợ cả”, ông Hồ Quốc Tuấn nhấn mạnh.



Rate this post
Bài trướcBản đồ quy hoạch liên vùng 5 tỉnh Thanh Hóa gồm 7 huyện miền núi
Bài tiếp theoThái Bình tìm nhà đầu tư Khu đô thị Quang Trung hơn 360 tỷ đồng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây