Giá đất được thổi lên cao, nhưng nếu không có giao dịch, thị trường sẽ giống như quả bóng nhanh chóng xì hơi.
Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương cần kiểm tra, xử lý thị trường bất động sản. Đưa tình trạng sốt đất chấm dứt.
Thời gian vừa qua, giá đất nền tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Bình Phước… được đẩy lên cao, thậm chí gấp đôi, gấp ba so với giá trước đây. Điển hình, giá đất thổ cư tại huyện Đông Anh, Long Biên, Thạch Thất (Hà Nội) có nơi tăng gấp 5 lần so với đầu năm 2020.
Đến nay, sức nóng vẫn chưa hạ nhiệt, mặc dù 4 Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính cùng các địa phương đã vào cuộc để chấn chỉnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm này, nhà đầu tư F0 cũng như môi giới vẫn tranh thủ từng giây, từng phút để đẩy hàng, chốt lời.
Ông Nguyễn Quốc Khánh – Uỷ viên thường vụ Hội môi giới bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Công ty đầu tư và phân phối DTJ, nhớ lại diễn biến những cơn “sốt đất” và những lần “dứt sốt” trước đây của thị trường.
Những giai đoạn bùng nổ trước đây
Giai đoạn thứ nhất:
Trong giai đoạn 2002 – 2003, đây là những năm đầu Hà Nội phát triển, nhà đầu tư luôn kỳ vọng vốn nước ngoài đổ vào. Kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều khu đô thị nhỏ trong nội thành và các huyện ven đô được mở rộng đã làm xảy hiện tượng “sốt đất”.
Nhưng chỉ với một mệnh lệnh hành chính, sau một đêm thị trường sốt đất chấm dứt và hệ lụy là các nhà đầu tư bị chôn vốn, các khu đô thị xây thô nhiều năm ngổn ngang, nhà xuống giá và bỏ hoang, kéo theo nợ ngân hàng nhiều năm mới giải quyết hết.
Giai đoạn thứ hai:
Vào những năm 2008- 2010. Năm 2008, Hà Nội mở rộng sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, làm bùng nổ các dự án tại phía Tây. Người mua từ các nơi tấp nập kéo về khu vực này săn đất. Các sàn giao dịch bất động sản mọc lên như nấm, nhà đầu tư lớn nhỏ bỏ hết thời gian để nghiên cứu bất động sản với quan niệm “không gì lãi bằng”.
Nhưng chỉ sau một thời gian tình hình kinh tế bị suy giảm vì ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới và các chính sách vĩ mô, nợ công tăng cao, Nhà nước siết tín dụng cùng những thay đổi về quy hoạch, các nhà đầu tư điêu đứng, khiến cho thị trường đóng băng, nợ xấu ngân hàng tăng cao. Thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn nhất kể từ khi kinh tế Việt Nam mở cửa.
Và lần này, cơn sốt đất xảy ra giữa thời điểm dịch COVID-19 lan rộng khiến nền kinh tế gặp khó khăn.
“Từ những đợt sốt đất trên, có thể nhìn thấy rõ hậu quả mà xã hội, nhà nước phải gồng gánh bao nhiêu năm. Các khách hàng, nhà đầu tư vì thế cần thận trọng hơn, không theo phong trào mua bán bằng được, trước quyết định đầu tư hãy tìm hiểu kỹ hoặc gặp các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp để tránh hậu quả “tiền mất tật mang”, ông Khánh nhấn mạnh.
Những yếu tố tác động tăng giá chưa rõ ràng
Ông Nguyễn Văn Đính phân tích: Với lần tăng giá đất này, các thông tin đều mới chỉ ở ý tưởng, chủ trương và chưa được phê duyệt. Ví dụ như quy hoạch sông Hồng hay huyện lên quận chỉ là thông tin chưa rõ ràng, cụ thể nên bị lợi dụng để “đẩy” giá lên cao.
Một thực tế là những căn hộ tại các dự án đang bán ở khu vực xảy ra hiện tượng sốt đất thì giá bán không tăng Nhưng đất ngoài ruộng, ngoài vườn, đất trong dân bỗng dưng lại tăng mạnh. Chính điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư sau này của các khu vực đó.
Bởi khi vào thực hiện dự án, doanh nghiệp sẽ phải tính chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, nếu đầu tư không có lợi thì họ sẽ rút ra. Như vậy, khu vực đó sẽ trở thành quy hoạch treo trong nhiều năm, giá trị lại tụt xuống giống như ở Mê Linh, Hoài Đức trước đây.
Sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương theo ông Đính cần quyết liệt hơn, như thế mới giải quyết được tình trạng sốt đất chấm dứt, sớm ổn định lại tình hình như Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Vân Đồn (Quảng Ninh) hay Phú Quốc (Kiên Giang) trước đây.